Tại Đức, các nhà khoa học đang thử nghiệm phương pháp chuyển hóa khí thải CO2 thành nguyên liệu carbon. Nếu thành công, đây có thể sẽ là giải pháp cho vấn đề khan hiếm nguyên liệu thô lẫn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Viện Công nghệ Karlsruhe của Đức đang phát triển một chương trình nghiên cứu mang tên NECOC. Chương trình này hướng đến mục tiêu chiết xuất khí thải CO2 từ không khí xung quanh, sau đó sử dụng loại khí này đưa vào quy trình để sản xuất nguyên liệu carbon.
Ông Benjamin Dietrich, Giám đốc kỹ thuật tại viện Công nghệ Karlsruhe: “Chúng ta đang bắt đầu quy trình NECOC. Đây là máy hút không khí trực tiếp. Khí CO2 sẽ được thu giữ tại một chiếc màng trước khi chuyển sang công đoạn tiếp theo, quá trình mêtan hóa”.
Ảnh minh họa. |
Quá trình này diễn ra trong một lò phản ứng. Carbon và oxy tại đây sẽ hình thành liên kết mới, biến CO2 thành khí mê-tan và nước. Sau đó, nước sẽ chảy về máy điện phân, còn khí mê-tan, bao gồm cả carbon, sẽ được đưa lại vào lò phản ứng cùng với thiếc hóa lỏng.
Ông Benjamin cho biết: “Công đoạn cuối cùng là công nghệ nhiệt phân. Khí mê-tan được đưa xuống dưới lò phản ứng, một cột thủy tinh chứa đầy thiếc hóa lỏng. Trong đó, khí mê-tan được làm nóng và phân hủy thành carbon và hydro. Carbon sẽ nổi lên trên và được đẩy ra ngoài”.
Nguyên liệu thu được là carbon tinh khiết ở dạng than chì, thường chỉ có tại dầu mỏ và than đá. Đây là loại nguyên liệu thô rất có giá trị trong sản xuất công nghiệp và lĩnh vực y tế. Được biết, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức đã tài trợ cho dự án này 1,5 triệu euro, tương đương với khoảng 38,5 tỷ Việt Nam đồng.