Thiếu sắt giảm chỉ số phát triển thể chất

Khoảng 35% thai phụ có nguy cơ bị các biến chứng thai nghén như sẩy thai hay sinh non, do thiếu sắt.

Một dạng thiếu máu hay gặp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 30% dân số thế giới bị thiếu máu, đa số do thiếu sắt. Do thiếu sắt, cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin, là một protein hiện diện trong hồng cầu, có trách nhiệm vận chuyển O2 từ phổi đến các mô trong cơ thể. Do đó, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, thở nhanh, đau ngực, đánh trống ngực, da xanh tái.

Sắt là nguyên tố vi lượng, tuy hiện diện trong cơ thể với một lượng rất ít, nhưng rất cần thiết đối với mọi cơ thể sống. Sắt liên kết chặt chẽ với mọi phân tử sinh học, gắn với màng tế bào, axit nucleic, protein (ví dụ như hemoglobin là một protein có chứa sắt, có trong hồng cầu).

Sắt là thành phần của nhiều men (enzym), protein cẩn thiết cho sự  trao đổi chất. Cơ thể con người cần sắt để sản xuất các tế bào máu đỏ. Khoảng 2/3 sắt của cơ thể được tìm thấy trong hemoglobin, 1/3 còn lại là trong myoglobin (thành phần của sợi cơ), ferritin và hemosiderin (cả 2 là dạng sắt dự trữ trong gan, xương  và lách).

Nhu cầu sắt cho người trưởng thành là 10mg/ngày, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 24mg/ngày và phụ nữ mang thai 30mg/ngày. Một số thức ăn giàu sắt (> 10mg/100g thức ăn): Mộc nhĩ (nấm mèo), nấm hương (nấm đông cô), cùi dừa già, nghệ khô, đậu nành, tàu hũ, bột cacao, mè, huyết bò, huyết heo, gan heo.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/thieu-sat-giam-chi-so-phat-trien-the-chat1.jpg

Bổ sung chất sắt cho bà bầu.

Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu của thiếu máu

Thiếu sắt làm giảm hoạt động thể chất và tinh thần, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch, tổn thương các cơ quan khác của cơ thể như màng bồ đào, giòn móng tay chân, chậm lành vết thương, giảm khả năng chịu lạnh… Thiếu sắt ở phụ nữ có thai là một yếu tố quan trọng góp phần làm giảm chỉ số phát triển thể chất và trí tuệ của bào thai.

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở thai phụ rất hay xảy ra. Do khi mang thai, thể tích máu tăng hơn bình thường để luân chuyển qua bánh nhau, dây rốn và vào nuôi dưỡng bào thai. Vì vậy, cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt, để tạo máu.

Ngoài ra, còn có 2 nguyên nhân khác thường gặp là nhiễm giun móc và phụ nữ đã bị thiếu máu từ trước qua kinh nguyệt hằng tháng làm nặng thêm tình trạng thiếu máu khi mang thai.

Thiếu máu ở thai phụ gây nhiều hậu quả cho cả mẹ và con. Mẹ thì mệt mỏi, xanh xao, khó tập trung suy nghĩ, hay buồn ngủ, sự nuôi dưỡng bào thai kém, chậm tăng cân, giảm khả năng làm việc.

Sau sinh, người mẹ thường bị mất nhiều máu và dễ nhiễm trùng, sự tạo sữa giảm. Con thì bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh nhẹ ký, dễ sinh non tháng, dễ tử vong. Giai đoạn sơ sinh yếu ớt, dễ bị các bệnh nhiễm trùng và quan  trọng nhất là não bộ kém phát triển, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ sau này.

Chế độ điều trị

Ăn uống đầy đủ không kiêng khem. Ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt (nêu trên). Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt bưởi… để tăng hấp thu chất sắt

Loại trừ nhiễm giun móc: Không nên đi chân đất. Xét nghiệm công thức máu có tăng bạch cầu ưa axit không. Nếu nhiễm giun thì sẽ có tăng bạch cầu ưa axit. Sau đó nên xét nghiệm phân tìm trứng giun móc. Nếu có trứng giun, thì thầy thuốc sẽ cho thuốc xổ giun như mebendazole, albendazole…

Uống viên sắt đều đặn mỗi ngày theo toa bác sĩ. Nếu lỡ quên ngày nào thì hôm sau cứ uống bình thường, không nên uống bù. Không nên uống viên sắt cùng lúc với nước chè xanh, sữa vì làm giảm hấp thu chất sắt.

BS Ngô Văn Tuấn

(Phòng khám Đa khoa Lý Nam Đế, TP Huế)

Theo Đời sống
back to top