Thiếu máu

(khoahocdoisong.vn) - Hầu hết các loại thịt đều có lượng lớn sắt heme giúp cơ thể có thể hấp thụ đủ lượng sắt cần thiết cho sự sản sinh của hồng cầu, hỗ trợ điều trị thiếu máu. Các loại hải sản có vỏ đều có nhiều chất sắt và folate nên người bị thiếu máu cần tăng cường bổ sung.

Hỏi: Cháu vừa đi khám, trên phiếu xét nghiệm của cháu có chỉ số định lượng bilirubin trực tiếp là 6.3μmol/l, gián tiếp là 9μmol/l, toàn phần là 15.5μmol/l và các chỉ số RBC là 4.52T/L, HGB là 96.6g/l, HCT là 29.1%, MCV là 64.4fL, MCH là 21.4pg. Định lượng Ferritin là 49.3ng/ml và định lượng sắt huyết thanh là 9.59μmol/L. Như vậy có phải cháu bị thiếu máu không?

Nguyễn Thị Mơ (Ninh Bình)

ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Trưởng phòng Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Trong các chỉ số đó thì chỉ số HGB là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá có bị thiếu máu hay không, với Hb là 96.6g/l là cháu đã bị thiếu máu loại trung bình, còn  chỉ số HCT có 29,1 % là máu bị loãng, MCV và MCH thấp như vậy là cháu bị thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ, sắt huyết thanh và Feritin của cháu cũng thấp nên khả năng cao là cháu bị thiếu máu do thiếu sắt. Để điều trị, cháu có thể bồi bổ thêm bằng thực phẩm thịt đỏ, gan động vật, nấm, mộc nhĩ. Hầu hết các loại thịt đều có lượng lớn sắt heme giúp cơ thể có thể hấp thụ đủ lượng sắt cần thiết cho sự sản sinh của hồng cầu, hỗ trợ điều trị thiếu máu. Các loại hải sản có vỏ đều có nhiều chất sắt và folate nên người bị thiếu máu cần tăng cường bổ sung. Đậu là nguồn thực phẩm giàu vitamin và chất sắt, tiêu biểu phải kể đến đậu đen, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành. Các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều... là nguồn cung cấp chất sắt rất dồi dào. Người bị thiếu máu có thể sử dụng nó kèm với salad, các loại rau hoặc trái cây để có được một bữa ăn giàu chất dinh dưỡng giúp tăng cường máu và sức đề kháng cho cơ thể.

Theo Đời sống
back to top