Thể dục buổi tối không đúng cách có thể gây hại – ảnh minh họa
Bệnh vì thể dục
Tập thể dục giúp cho chúng ta rèn luyện sức khỏe, vì vậy theo BS Đào Bá Vy, nguyên trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354, quan trọng nhất là sắp xếp được thời gian tập luyện và duy trì đều đặn và nhất quán. Thời điểm để khởi động cơ thể tốt nhất là sau khi ngủ dậy. Một vài động tác thể dục hoặc đi bộ sẽ giúp đánh thức cơ thể, tạo sự lưu thông khí huyết, giúp tinh thần sảng khoái, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.
Tuy nhiên, đối với thể thao chuyên nghiệp, tập luyện cường độ cao thì thời gian tập luyện giúp đạt hiệu quả nhất là khoảng 9 – 10h hoặc 15 – 18h, là lúc nhịp độ sinh học của cơ thể lên cao, cơ bắp đã được khởi động thoát khỏi sự ỳ, hệ thống tuần hoàn, hô hấp cũng như các cơ quan cơ thể đều ở trạng thái hoạt động tích cực. Do đó, việc tập luyện sẽ chuẩn xác hơn, hiệu quả hơn và dễ đạt được thành tích cao.
Đó là những hiệu quả đạt được khi tập luyện ban ngày, còn vào buổi tối muộn, khoảng 20 – 21h, sau một ngày dài làm việc là lúc cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Vì vậy, nếu luyện tập thể dục buổi tối với các môn vận động nhiều, cường độ tập cao như chạy bộ, chơi tennis, tập aerobic,… có thể là sự thách thức với cơ thể, vượt ngưỡng khả năng vận động của cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi mạn tính, dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, và các vấn đề về tiêu hoá…
Nhiều người thậm chí còn tập nặng sau khi ăn tối, dù đã nghỉ ngơi cách khoảng 1 tiếng, nhưng khó có thể tránh khỏi nguy cơ đau tức bụng, sa dạ dày; hoặc nếu giãn các sau bữa ăn đủ lâu để cơ quan tiêu hóa xử lý thức ăn thì thời gian tập lại quá muộn, vừa không mang lại hiệu quả rèn luyện sức khỏe vừa ảnh hưởng giấc ngủ đêm.
Vận động nhẹ nhàng là tốt nhất
BS Đào Bá Vy cho rằng nếu chọn thời điểm tập thể dục buổi tối thì tốt nhất chỉ nên lựa chọn hình thức tập nhẹ nhàng, vận động vừa sức, ví dụ như đi bộ. Đi bộ hàng ngày không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe và còn có tác dụng tích cực đối với tinh thần, giúp bạn cảm thấy lạc quan. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đi bộ vào buổi tối cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe không kém gì đi bộ vào buổi sáng.
Theo Lương y Nguyễn Văn Sử, sau khi ăn tối việc đi bộ nhẹ nhàng sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa và sự trao đổi chất của cơ thể, khiến thức ăn được chuyển hóa hoàn toàn, giúp bạn tránh được các vấn đề như đầy bụng, khó tiêu và có giấc ngủ thoải mái hơn. Tuy nhiên, cần nhớ là chỉ đi bộ thong thả, nhẹ nhàng, mang tính chất thư giãn và chỉ nên kéo dài khoảng 10 – 15 phút.
Các chuyên gia cho rằng nếu muốn đi bộ với tác dụng thể dục thì nên chờ sau bữa ăn ít nhất 1 tiếng, đồng thời bữa ăn đó cũng không nên ăn quá nó, quá nhiều tinh bột gây nặng bụng, khó tiêu. Có thể đi bộ 30- 60 phút vào mỗi buổi tối, như một hoạt động nhẹ nhàng, vừa rèn luyện sức khỏe, giảm cân, duy trì vóc dáng gọn gàng, vừa giúp bạn giảm căng thẳng, cảm thấy thư giãn, thảnh thơi.
Việc đi dạo bộ, thể dục buổi tối nhẹ nhàng thậm chí còn giúp bạn tăng mức độ năng lượng và bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo ngay cả sau một ngày làm việc mệt mỏi.. Đi bộ vào buổi tối cũng giúp bạn điều tiết lưu thông khí huyết trong cơ thể, nhờ đó sẽ có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm.
-
Việc luyện tập thể dục buổi tối với cường độ cao, nhất là sau khi ăn, làm cản trở quá trình tiêu hoá và hấp thu thức ăn, dễ dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, khi tập luyện quá muộn, cơ thể mệt mỏi cũng khiến cho hiệu quả tập luyện kém, thậm chí dễ dẫn đến chấn thương.
-
Đối với người trẻ muốn tập các môn vận động nhiều như đá bóng, tennis, aerobic,… nhưng lại khó sắp xếp thời gian tập luyện, thì có thể chọn giờ tập thể dục buổi tối nhưng không nên quá muộn, hoặc sau bữa ăn tối. Tốt nhất chỉ nên ăn nhẹ trước khi tập tối thiểu 30 phút. Cần khởi động kỹ trước khi tập để giúp cơ thể dễ dàng thích ứng với điều kiện vận động cường độ cao.
(Lương y Nguyễn Văn Sử)
Huy Khánh