Thầy giáo làng kể chuyện biển đảo bằng điêu khắc

Thầy giáo làng Kù Kao Khải đã xuất sắc vượt qua hàng trăm tác phẩm điêu khắc chuyên nghiệp toàn quốc để nhận giải thưởng cao nhất. Điều làm nên sự kỳ diệu ấy chính từ tác phẩm “Chuyện quê” kể về biển đảo quê anh với những mặn mòi, gian truân của ngư dân bám biển.

Tác phẩm “Chuyện quê” đạt 3 giải danh giá.

Thầy giáo làng với 1 tác phẩm “ăn” 3 giải

Sinh năm 1978, Kù Kao Khải thuộc lớp nghệ sỹ trẻ đa năng và đầy triển vọng về hội họa và điêu khắc sắp đặt. Thế nhưng sau khi ra trường, anh để lại sau lưng tất cả những ồn ào phố thị trở về quê hương miền biển Kim Sơn – Ninh Bình và theo nghề gõ đầu trẻ tại trường cấp 2 Kim Tân.

Bạn bè ai cũng tưởng Khải sẽ chỉ an phận với thầy giáo làng. Thế nhưng, ngoài trọng trách đào tạo con em vùng biển, Khải còn sáng tác nghệ thuật về vùng quê mà mình đang sống. Sự âm thầm lẫn những hì hụi trong nghệ thuật đã khiến nhiều người sửng sốt khi anh tham dự triển lãm điêu khắc toàn quốc và ăn liền ba giải vinh quang nhất.

Những tác phẩm của Khải ít hay nhiều có duyên và đẹp nhờ khơi nguồn từ “miền đất hứa” vùng biển Kim Sơn. Biết khai thác nét tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc đình làng, chất liệu gỗ bôi sơn của nghệ thuật tượng chùa, thể hiện sinh động qua: Chuyện quê, Chuyện cua, Cá biển, Đôi bạn đại dương, Cá và lưới đã nói lên được tình yêu với biển. Đồng thời, tỏ rõ những ác độc của kẻ xâm lược với biển khơi”, họa sỹ Lê Quốc Bảo.

Tác phẩm đem lại vinh quang ấy cho thầy giáo làng Kù Kao Khải chính là “Chuyện quê”. Tác phẩm như sự đánh giá của họa sỹ Lê Quốc Bảo là “quê nhưng không cộc”. Mà ngược lại, với chỉ một tác phẩm, Khải đã lột tả đúng thần thái và sự lam lũ của ngư dân – những người bám biển và làm chủ đại dương rộng lớn.

Tác phẩm điêu khắc “Chuyện quê” kể về một đôi vợ chồng đi làm kinh tế mới tại bãi bồi biển Kim Sơn. Dù lắm những gian truân cực nhọc và nắng gió mà biển đem lại, thì biển cũng cho họ nào những tôm cá lẫn những niềm vui. Tác phẩm được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch trao giải nhì (không có giải nhất). Cùng với đó, “Chuyện quê” cũng được giải chính thức của Hội Mỹ thuật Việt Nam và một giải A triển lãm khu vực sông Hồng.

Nghe tin thầy giáo làng đoạt giải thưởng từ chính tác phẩm kể về quê biển, ở Kim Sơn ai cũng mừng rỡ. Bởi không ai ngờ rằng, vùng biển Kim Sơn nghèo nàn toàn sú vẹt lại được vinh danh và biết tới. Từ ngày đó, rất nhiều người đến với vùng biển Kim Sơn để tận mắt thấy những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây.

Thầy Khải và một số tác phẩm về biển đảo.

Mặn mòi với biển

Ngay từ thơ ấu, Khải đã biết đến biển qua những chuyến ra khơi đánh cá của người cha và những ngư dân trong xóm. Sau này lớn lên, anh cũng trở thành một ngư dân đích thực. Những chuyến ra khơi của Khải kéo dài cả tháng, khi trở về cá đã đầy khoang. Để được vậy, họ đã phải chiến đấu với sóng dữ cuồng phong, với cái nắng rát và đầy rẫy những hiểm nguy rình rập.

Thầy giáo làng Kù Kao Khải chia sẻ: “Nơi tôi đang sống là vùng bãi bồi mặn mòi nắng gió. Nhưng cũng chính nơi đó là không gian sống của những  người dân lao động cần cù, chất phác. Nếu chỉ thoáng qua, cảm nhận về cuộc sống của những con người đó chỉ hằn lại với vất vả, nhọc nhằn. Nhưng ở một góc độ khác, bằng ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc, tôi lại muốn khắc họa vẻ đẹp của họ, một vẻ đẹp hiếm có, luôn rạng rỡ và ngời sáng, dù phía trước luôn phải đối diện với vô vàn khó khăn thử thách của cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió”.

Trong hầu hết câu chuyện mà Khải đã kể qua nghệ thuật, những ngư dân bao giờ cũng xù xì, đen nhẻm và  khắc khổ. Nhưng đó cũng chính là vẻ đẹp ánh lên từ sự tảo tần, thánh thiện. Khi đến với vùng biển, tôi thích nhìn họ cặm cụi bắt cá bắt tôm, thích nhìn thấy hạnh phúc của những gia đình vùng biển đạp lên sóng dữ mà sống. Trong một góc nhìn nào đó, nét đẹp bật ra chính từ sự giản dị mà rất đáng trân trọng.

Bây giờ, ngoài việc dạy học cho lũ trẻ đen nhẻm vùng biển mặn. Kù Kao Khải còn làm việc như một ngư dân chính hiệu. Những đầm tôm mà anh đang nuôi gợi cho người lạ một cảm giác là anh rất giàu có. Giàu có không phải giá trị vật chất mà anh tạo ra, mà từ chính những đồng cảm với ngư dân nơi anh đang sống.

Tác phẩm “Ngư dân” đục gỗ sơn màu.

“Nhặt” 100 câu chuyện về biển

Thầy giáo làng Kù Kao Khải cho biết: “Ngư dân không chỉ kiếm sống nhờ biển mà còn là những chủ nhân của biển. Nhưng từ khi “biển Đông dậy sóng” với sự bành trướng của Trung Quốc thì không chỉ những ngư dân quê tôi mà hầu hết các vùng biển khác đều rất khó khăn. Tôi muốn đấu tranh cho ngư dân từ chính những chuyện kể bằng điêu khắc”.

Ước mơ “nhặt” 100 câu chuyện về biển bằng giọng kể qua điêu khắc của Khải đã sắp thành hiện thực. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với câu chuyện tố cáo những kẻ xâm lăng dùng thuyền và vòi rồng đâm và phụt vào thuyền của kiểm ngư và ngư dân Việt Nam.

Đó đơn giản chỉ là một chiếc tàu khổng lồ có hình thù như “ngáo ộp” đè lên những chiếc thuyền nhỏ bé của ta. Những con cá mà ngư dân đánh được đang bị đổ ra ngoài trong vòng cuốn của vòi rồng. Đến lúc này, sự đơn giản của tác phẩm không còn giản đơn nữa, nó đã tố cáo sự bất nhẫn của kẻ xâm lăng đối với ngư dân và đối với biển.

Một tác phẩm diêu khắc gỗ về biển.

“Tôi nghĩ thế này, nơi được khẳng định chủ quyền tức là nơi có người sinh sống. Và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được khẳng định bởi chính những người lao động mộc mạc tại đó. Họ ăn gió nằm sương, qua nhiều năm tháng vẫn trụ vững để gắn bó, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Từ trước đến nay đã có nhiều người khai thác đề tài biển đảo bằng ngôn ngữ của âm nhạc, thơ ca. Riêng tôi, những hình khối điêu khắc mô tả về những ngư dân giữa biển là thích hợp hơn cả, vì chính tôi từng là ngư dân”, thầy Khải cho biết.

Ngoài những câu chuyện kể về biển đảo qua điêu khắc gây được tiếng vang. Trong những giờ lên lớp, thầy Khải còn truyền dạy những kiến thức biển đảo cho học sinh của mình. Từ chính ngôi trường làng đó, những học sinh thân thương đã hiểu hơn về chủ quyền biển đảo, thấy yêu hơn đất nước giang sơn gấm vóc này.

“Ngoài nghệ thuật điêu khắc, tôi muốn chuyển tải đến tất cả mọi người, đặc biệt là các em học sinh về tình yêu với biển đảo quê hương. Biển cả rộng lớn vô cùng đã đem lại cho chúng ta tôm cá, nhưng chúng ta cũng phải biết yêu biển và bảo vệ biển cả”, thầy giáo Kù Kao Khải.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top