Thấy gì qua tỷ lệ tử vong ở Việt Nam do Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Trong hội nghị giao ban trực tuyến cuối tháng 8/2021, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề cập: “Tại Việt Nam, số ca mắc đến nay đã lên tới hơn 400.000 ca, số ca tử vong trên 10.000, chiếm khoảng 2,45%. Đây là con số đáng lo".

Tyt lệ tử vong có thể thấp hơn 2,45%

Với năng suất xét nghiệm như hiện tại, chẩn đoán nghi ngờ Covid-19 thông qua test nhanh là một công cụ chưa thể đo lường chính xác được số trường hợp mắc bệnh. Sau khi mẫu test nhanh bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, hoặc sau khi mẫu gộp PCR dương tính, người nghi ngờ bị nhiễm bệnh sẽ được cách ly và tiếp tục làm xét nghiệm PCR.

Tình hình mắc và tử vong do Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới (Ảnh minh họa).
Tình hình mắc và tử vong do Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, với số lượng mẫu đơn PCR rất nhiều và quy trình kỹ thuật phức tạp, nên thời gian để có một kết quả xét nghiệm PCR cho những trường hợp F0 nghi ngờ là rất lâu. Năng lực xét nghiệm ở một số địa phương cũng có hạn, dẫn tới khả năng báo cáo kết quả xác định F0 bị trễ. Nhiều trường hợp mất một tuần để có kết quả PCR!

Mặt khác, virus SARS-CoV-2 đã lây lan trong cộng đồng, có nhiều trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng không được phát hiện hoặc đã khỏi bệnh nhưng không nằm trong danh sách truy vết của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh.

Điều này dẫn tới con số thực sự số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam vẫn thật sự chưa rõ ràng. Vẫn có các trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong tại nhà trước khi được đưa tới bệnh viện, tuy nhiên về mặt chủ quan con số này không nhiều bằng số trường hợp nhiễm không triệu chứng.

Tóm lại, thống kê tử vong là 2,45% dựa trên danh sách người dương tính và tử vong thông qua báo cáo số liệu hằng ngày có thể thực thấp hơn.

Tỷ lệ tử vong do bệnh lý khác gia tăng

Sẽ rất thiếu sót nếu tính tử vong tuyệt đối do nhiễm Covid-19 mà không tính tới tử vong gián tiếp do dịch Covid-19 gây ra.

Hầu hết các bệnh viện chuyển đổi công năng hoàn toàn hoặc một phần, cộng thêm tăng cường giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 khiến nhiều người bệnh không thể tiếp cận dịch vụ y tế ở các cơ sở.

10 nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ, theo CDC Hoa Kỳ. Do ảnh hưởng dịch bệnh, bệnh nhân không được điều trị, tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
10 nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ, theo CDC Hoa Kỳ. Do ảnh hưởng dịch bệnh, bệnh nhân không được điều trị, tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.

Trước mắt, thấy rõ những bệnh nhân có bệnh mạn tính nặng như ung thư, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh lý tim mạch (suy tim, bệnh van tim, bệnh mạch vành), các tình trạng nhiễm trùng… sẽ nằm trong nhóm nguy cơ tử vong cao do bệnh nhân không đi tái khám và điều trị kịp thời.

Các bệnh lý cấp tính nguy cơ tử vong cao như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm tụy, viêm ruột thừa… vẫn diễn ra với suất độ trong dân số. Tuy nhiên, một số bệnh nhân trong hoàn cảnh này có thể đã tử vong tại nhà do nhiều nguyên nhân.

Như vậy, thiệt hại tính trên phương diện số trường hợp tử vong do Covid-19 cần phải tính thêm những trường hợp do dịch bệnh gián tiếp gây ra.

Xây dựng luồng xanh trong chăm sóc y tế “giai đoạn mới”

Như vậy, để nắm rõ con số tử vong do dịch bệnh Covid-19 gây ra phải dựa trên năng lực xét nghiệm, truy vết và báo cáo đúng số lượng người nhiễm. Đồng thời, phải xét đến khía cạnh tử vong gián tiếp do dịch bệnh mà nguyên nhân là do người dân giảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta đang cao hơn so với thế giới. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Long An.
Theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta đang cao hơn so với thế giới. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Long An. 

Số ca nhiễm ngày càng tăng, số tử vong và số trường hợp nhiễm bệnh vẫn còn trong kiểm soát của lực lượng y tế các tuyến. Do vậy, xây dựng chiến lược luồng xanh điều trị cho các bệnh lý thông thường và bình thường hóa các cơ sở y tế trong “giai đoạn mới” là cần thiết.

Luồng xanh điều trị là tiếp tục duy trì chuyển công năng một phần các bệnh viện điều trị Covid-19. Còn những bệnh viện chuyển công năng hoàn toàn thành bệnh viện điều trị Covid-19 nên chuyển ngược thành đổi công năng một phần.

Nhờ đó, bệnh nhân càng có cơ hội được tiếp cận y tế qua các mô hình khám chữa bệnh từ xa như paramedics, telemedicine và khám chữa bệnh trực tiếp tại các cơ sở chữa bệnh một cách hiệu quả.

Thực tế cho thấy nhiều bệnh viện quá tải cấp cứu Covid-19 nên trì hoãn, hoặc chậm tiếp nhận bệnh nhân có tình trạng cấp cứu dẫn tới tăng tỉ lệ biến chứng, hậu quả là tăng tử vong do bệnh.

Khi tạo miễn dịch cộng đồng ở các địa phương đảm bảo, chứng minh được các F0 nhẹ và không triệu chứng có thể điều trị và theo dõi tại nhà, ý thức người dân tăng cao, việc mở rộng luồng xanh khám chữa bệnh trong bệnh viện là việc làm hoàn toàn có thể thực hiện được.

ThS.BS Nguyễn Thái Duy (TPHCM)

Theo Đời sống
back to top