Tăng công nâng tầng điều trị
Cách đây hơn một tháng, chiến lược phát hiện và cách ly tập trung F0 được triển khai một cách đồng bộ và nhanh chóng, từ đó các bệnh viện dã chiến liên tục được mở ra để đáp ứng nhu cầu cách ly điều trị cho các bệnh nhân được xác định mắc Covid-19.
Bệnh nhân Covid-19 đang được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, TPHCM. |
Sau hơn một tháng vận hành, hầu hết các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 đều đã có thể dễ dàng quản lý và điều trị các bệnh nhân F0 nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng phải cần chăm sóc và can thiệp tích cực hơn thì hầu như các đơn vị đều gặp lúng túng. Nguyên nhân là thiếu nguồn oxy, chưa đủ trang thiết bị và nguồn lực.
Những trường hợp nặng cần chuyển tuyến lại bị trì hoãn hoặc không thể chuyển vì các tuyến trên quá tải. Điều này dẫn tới các tuyến dưới phải “tự động” nâng bậc điều trị để đảm bảo nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân đang nằm điều trị tại cơ sở của mình.
Chiến lược tăng công để nâng tầng điều trị bệnh Covid-19 nặng là rất thích hợp trong thời điểm này. Tuy vậy, để chiến lược này triển khai được một cách hoàn hảo trong thời gian đủ dài để giảm tỷ lệ tử vong, chúng ta cần tính toán về một số phương diện.
Trong đó, giảm nguồn lực và tài lực đang phân bổ để chăm sóc cho các F0 nhẹ hoặc không triệu chứng nội viện để tăng khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các nguồn lực phát hiện, điều chuyển và điều trị bệnh nhân F0 nặng là điều đáng suy nghĩ.
BS Nguyễn Thái Duy. |
Hiện tại, một trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại bệnh viện dã chiến được Nhà nước quan tâm chăm sóc rất tốt. Các bệnh nhân được phục vụ cơm ăn đủ 3 buổi, thuốc điều trị và xét nghiệm tối thiểu 2 lần trước khi xuất viện. Tính trung bình một đợt điều trị, chi phí điều trị tối thiểu cho mỗi bệnh nhân là 1 triệu đồng!
Tuy nhiên, đây là những chi phí có thể thấy được. Những chi phí khác như điện - nước, nguồn lực y tế - xã hội, cũng như chi phí vận chuyển bệnh nhân qua lại giữa các trung tâm cách ly trước khi được đưa đến bệnh viện cũng không hề nhỏ.
Nguồn lực có thể phân bổ để đầu tư vào các vấn đề cấp thiết như xe cứu thương, cơ sở hạ tầng, mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc F0 tại nhà. Chuẩn bị túi thuốc cho bệnh nhân F0 tại nhà. |
Tới thời điểm hiện tại (23/8) đã có 253.904 người được cách ly (tính từ ngày 1/5/2021), trong đó 106.006 người đã xuất viện tiếp tục cách ly tại nhà và 129.909 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Nếu giả sử 80% các trường hợp F0 điều trị nội viện hiện tại thực sự là các trường hợp có thể cách ly chăm sóc tại nhà, khoảng 103.927 người có thể cách ly và theo dõi chăm sóc tại nhà. Tức là, với con số hiện tại, chúng ta có thể “tiết kiệm” được 103.927.000.000 VNĐ chi phí điều trị.
Mặt khác, nguồn lực hơn 103 tỷ đồng ấy có thể phân bổ để đầu tư vào các vấn đề cấp thiết như xe cứu thương, cơ sở hạ tầng, mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc F0 tại nhà. Nhân lực và tài lực đang dành ra để cách ly, chăm sóc và điều trị F0 như hiện nay thì dồn vào chiến lược nâng công điều trị F0 nặng như xây dựng khu hồi sức, các máy móc và trang thiết bị phục vụ hồi sức bệnh nhân.
Tập trung điều trị bệnh nhân nặng, tăng miễn dịch cộng đồng
Mấu chốt của vấn đề là thực sự có cần tiếp tục tách và cách ly tập trung F0 như chiến lược chiếm lại vùng xanh của thành phố hay không? Nếu như áp dụng chiến lược này, nghĩa là vẫn tiếp tục cách ly F0 tập trung song song với việc tăng bậc điều trị, tập trung vào cấp cứu và điều trị những trường hợp nặng và nguy kịch.
Ngành y tế có thể tập trung vào đội xe cấp cứu 115, tập trung vào hỗ trợ các ca bệnh cần chăm sóc y tế, giảm cách ly tập trung các trường hợp F0 không triệu chứng. |
Nguồn nhân lực đang hao kiệt, ngân sách cũng không phải luôn đáp ứng đủ vì kinh tế bị thiệt hại trầm trọng do giãn cách xã hội kéo dài. Do đó, tiếp tục ra quân xét nghiệm, cách ly và điều trị F0 có thể gặp nhiều khó khăn do đứt gãy các quy trình.
Nhìn chung, nếu có đủ tất cả các nguồn lực tấn công dập dịch với nhiều mũi nhọn như chích ngừa, tầm soát, cách ly và điều trị F0 là điều vô cùng hợp lý. Trong hoàn cảnh thực tế, các nguồn lực nên tập trung vào các khâu phát hiện bệnh nhân F0 nặng, kịp thời đưa bệnh nhân đến cấp cứu, tăng miễn dịch cộng đồng thông qua chương trình tiêm văcxin ngừa Covid-19 để giảm tỷ lệ tử vong.
Mong rằng ngành y tế có một chiến lược tốt nhất để tập trung vào đội xe cấp cứu 115, tập trung vào hỗ trợ các ca bệnh cần chăm sóc y tế, giảm cách ly tập trung các trường hợp F0 không triệu chứng. Tập trung tối đa nguồn lực vào xe cứu thương, hệ thống chăm sóc F0 tại nhà, hệ thống hồi sức cấp cứu bệnh nặng có lẽ thích hợp hơn giành lại từng mảng "xanh" trong vùng rộng đang nhuốm màu "đỏ".
TPHCM vừa triển khai mô hình Trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho hay, chủ trương chính của chiến lược này nhằm tạo tâm lý thoải mái cho các F0, kéo giảm số ca Covid-19 tử vong và giảm sự quá tải cho các bệnh viện.
Mỗi trạm sẽ quản lý từ 50 - 100 F0, với cơ cấu tối thiểu gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế (hoặc tình nguyện viên tham gia). Trước mắt, TPHCM sẽ chuẩn bị khoảng 400 trạm, sắp tới sẽ là 1.000 trạm trên toàn thành. Trang thiết bị thiết yếu tối thiểu cho mỗi trạm sẽ có 2 bình oxy, máy thở, máy đo CO2, các thiết bị xét nghiệm tại nhà và túi thuốc. Trong trường hợp người dân test nhanh tại nhà có kết quả dương tính hoặc có người nhà bị tử vong tại nhà do Covid-19, Trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận thông tin và triển khai xử lý kịp thời.
BS Nguyễn Thái Duy (TPHCM)