Thái Nguyên: Trại lợn Soi Vàng gây ô nhiễm, khó xử lý?

Tại làng Soi Vàng (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây bức xúc cho người dân trong nhiều năm qua.

Xã Tân Cương là vùng chè nổi tiếng ở Việt Nam, đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và Điểm du lịch cộng đồng được du khách yêu thích. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên, vẫn còn đâu đó những “vết gợn”, nỗi nhức nhối bao năm về vấn đề môi trường chưa được xử lý dứt điểm.

Phạt nhiều vẫn như không

Đó là tình trạng các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn tại làng Soi Vàng bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây bức xúc cho người dân trong nhiều năm qua. Cụ thể, đó là những trang trại chăn nuôi lợn của các ông/bà: Trần Thị Mai, Đàm Văn Mười, Trần Xuân Phong, Nguyễn Thị Nhạn.

Phản ánh tới chính quyền, người dân làng Soi Vàng bức xúc với những trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm này. Qua đó, người dân đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng có phương án giải quyết dứt điểm.

Trước những bức xúc của người dân, tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc. Nhiều đoàn kiểm tra, giám sát đã được thành lập, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng đã được ban hành.

Có thể kể tới các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1683, 1684 ngày 27/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên đối với bà Nguyễn Thị Nhạn và ông Trần Xuân Phong; hay Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2008/QĐ-XPVPHC ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên đối với bà Trần Thị Mai. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 48/QĐ-XPVPHC ngày 29/10/2021 đối với ông Đàm Văn Mười.

Dù đã có nhiều văn bản xử phạt của cơ quan chức năng, tuy nhiên mọi thứ vẫn y nguyên. Đơn cử là trường hợp trang trại chăn nuôi lợn của bà Trần Thị Mai, cơ sở này vi phạm nhiều đến nỗi cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên phải lắc đầu ngán ngẩm vì không nhớ nổi số lần nhắc nhở, xử phạt.

“Nhiều lắm, nếu như nói từ đầu thì rất nhiều”, vị cán bộ này phải thốt lên ngao ngán khi được hỏi về số lần cơ quan chức năng ban hành văn bản xử phạt bà Mai, tại buổi làm việc của phóng viên với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên.

UBND xã Tân Cương

UBND xã Tân Cương

Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2022, bà Mai đã bị xử phạt 2 lần với tổng số tiền nộp phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác trang trại chăn nuôi lợn của bà Mai vi phạm, bị cơ quan chức năng xử phạt và lại tiếp tục vi phạm. Để rồi, người dân sinh sống tại làng Soi Vàng vẫn ngày đêm phải sống trong bầu không khí nồng nặc mùi hôi thối, ngóng đợi một ngày chính quyền xử lý dứt điểm.

Để khách quan, đa chiều thông tin, phóng viên đã chủ động đến các trại lợn này để ghi nhận nhưng không có bất kỳ ai ra mặt trả lời. Liên lạc qua các số điện thoại do bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cung cấp, 3 chủ cơ sở không bắt máy, chỉ có 1 số nghe điện thoại và giới thiệu tên là Nguyễn Tài. Người này nói rằng đang đi công tác và hẹn gặp vào tuần sau đó, tuy nhiên sau nhiều ngày trôi qua phóng viên vẫn chưa thể gặp hay liên lạc lại được với ông Tài.

Khó xử lý vì... không có chế tài?!

Được biết, tại một số quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên còn có thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của trang trại.

Theo đó, trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Xuân Phong bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 4,5 tháng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của cơ sở đang chăn nuôi lợn, chủ trang trại được phép chăn nuôi đến khi xuất hết lứa lợn trong chuồng, sau đó mới dừng việc chăn nuôi. Vì vậy, trang trại của ông Phong được “hoạt động nốt” tính từ thời điểm ban hành quyết định là ngày 27/5/2021 đến hết tháng 1/2022.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2022, UBND xã Tân Cương đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện dừng chăn nuôi đối với trang trại của ông Trần Xuân Phong. Báo cáo cho thấy, ông Phong vẫn tiếp tục chăn nuôi gối đàn mà không dừng hoạt động chăn nuôi theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên và các văn bản yêu cầu của các cơ quan chuyên môn. Đoàn kiểm tra kiểm đếm số lượng lợn đang chăn nuôi là 1.800 con.

Như vậy, sau gần 2 năm kể từ ngày UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định về hình phạt bổ sung, việc đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn của ông Phong vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Từ trường hợp của ông Trần Xuân Phong, dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng chủ trang trại lợi dụng kẽ hở “tính chất đặc thù” của ngành chăn nuôi để đối phó? Vậy việc đình chỉ hoạt động chăn nuôi liệu có đem lại hiệu quả, hay chỉ mang tính hình thức nhằm xoa dịu dư luận?

Tại buổi làm việc với Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thái Nguyên, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc tại sao trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm, bị xử phạt rất nhiều lần nhưng vẫn được tồn tại?

Lý giải vấn đề này, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện tại chưa có chế tài nào quy định “phạt bao nhiêu lần thì yêu cầu dừng vĩnh viễn”.

“Ngay cả hình thức cưỡng chế với đơn vị không nộp tiền cũng không có giải pháp nên cứ dai dẳng, chưa có biện pháp nào đủ mạnh”, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết.

*Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin./.

Theo Đời sống
Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Những ngày đầu tháng 11/2024, khi lưu thông trên đường Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) nhiều người cảm thấy xót xa khi nhìn thấy hàng cây xanh đã khá lớn trồng ở bên lề, đoạn dài hàng trăm mét bị cháy rụi và đang trong giai đoạn chết dần.
Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Cá nhân có các hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ.
back to top