Nổ phi tiếp xúc cho phép tên lửa phòng không tiêu diệt mục tiêu bằng các đòn tấn công trực tiếp hoặc kích nổ gần. Năm 2019, Quân đội Mỹ bắt đầu trang bị thêm cho tên lửa phòng không MANPAD Stinger các đạn có đầu nổ phi tiếp xúc nhằm tiêu diệt các UAV tấn công bằng ngòi nổ va chạm trực tiếp hoặc bằng kích nổ gần.
Phiên bản nâng cấp của tên lửa cho thấy, các đơn vị bộ binh có khả năng phòng không tốt hơn khi phải đối phó với các mục tiêu tấn công đường không nhỏ, linh hoạt với trần bay thấp.
Tên lửa phiên bản mới sử dụng bộ vi xử lý tái lập trình đầu đạn Stinger-Reprogrammable Microprocessor hay RMP, có tỷ lệ thành công hơn 90% trong các thử nghiệm kiểm tra độ tin cậy và huấn luyện chiến đấu. Tên lửa sở hữu tốc độ siêu thanh, nhanh nhẹn linh hoạt, hệ thống điều khiển và dẫn đường có độ chính xác cao giúp vũ khí có lợi thế đánh chặn được tên lửa hành trình và tất cả các loại máy bay, các UAV khác nhau.
Hệ thống này cũng được trang bị trên trực thăng Apache. Tên lửa MANPADS Stinger là hệ thống phòng không độc lập chủ động, hạng nhẹ, được trang bị cho bộ binh để tự bảo vệ chống lại các mối đe dọa đường không tầm gần và độ cao thấp.
Khả năng chiến đấu của tên lửa Stinger được chứng minh trong 4 cuộc xung đột lớn, thành công đánh chặn hơn 270 lần các loại máy bay chiến đấu cánh cố định và trực thăng. Tên lửa được triển khai ở 19 quốc gia và trang bị cho cả 4 lực lượng vũ trang Mỹ.
Tên lửa Stinger là một thành phần không thể thiếu của hệ thống phòng không đa lớp trên chiến trường. (Ảnh: U.S. Army) |
Tên lửa RMP là hệ thống dò tìm và dẫn đường tia hồng ngoại (IR) và tia cực tím (UV) kênh đôi, thụ động. Khả năng phân biệt phổ quang học của vật liệu dò tìm khi được làm siêu lạnh bởi khí argon trong pin làm mát cho phép đầu tự dẫn Stinger thu nhận, theo dõi và tấn công các mục tiêu từ bất kỳ hướng bắn nào (trực diện, bắn đuổi hoặc ngang sườn).
Stinger là hệ thống tên lửa phòng không cá nhân "bắn và quên", xạ thủ không cần theo dõi mục tiêu sau khi tên lửa phóng đi. Stinger cũng được lắp hệ thống thứ cấp nhận dạng bạn hay thù (IFF) tích hợp, hỗ trợ xạ thủ xác định máy bay thân thiện, giảm thiểu tối đa việc bắn nhầm mục tiêu.
FIM-92 Stinger hệ thống phòng không di động (MANPADS) hoạt động như một hệ thống phòng không phóng tia hồng ngoại (SAM). Tên lửa FIM-92 Stinger đầu dẫn thụ động có thể được một xạ thủ mang vác điều khiển trong đội hình đơn vị bộ binh.
Tên lửa FIM-92B được trang bị cho xe cơ giới M-1097 Avenger và xe thiết giáp M6 Linebacker như một phương tiện phòng không cơ động của các đơn vị cơ giới. Đồng thời, Stringer được lắp đặt cho Humvee Stinger của lực lượng nhảy dù.
Một phiên bản khác của Stringer trang bị cho máy bay trực thăng là Air-to-Air Stinger (ATAS). Tên lửa này chủ yếu do Raytheon Missile Systems sản xuất, đồng thời các công ty EADS của Đức, ROKETSAN của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sản xuất theo giấy phép, với 70.000 tên lửa đã được xuất xưởng.