Gần đây chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân có tăng Triglyceride máu nặng nhập viện, có trường hợp TG > 100 mmol/L (bình thường < 1,8 mmol/L), đa phần là những “bợm nhậu” nhưng cũng có một số người không thấy nguy cơ gì, có thể là bệnh di truyền hoặc tăng Triglyceride máu có tính chất gia đình.
Việc điều trị nhiều khi rất khó khăn. Với những người lớn có Triglyceride > 1.000 mg/dL (11,3 mmol/L), Guideline của Trường môn Tim mạch Hoa kỳ (ACC) – 2021 hướng dẫn như sau:
1. Bước đầu tiên là thay đổi lối sống. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao bị viêm tụy cấp, nên cần thực hiện chế độ ăn rất ít chất béo (10% - 15% tổng lượng calo). Ngoài ra, kiêng rượu và hạn chế ăn cacrbohydrate tinh chế cũng như đồ ngọt.
2. Phát hiện và điều trị các nguyên nhân gây tăng triglycerid máu
3. Những trường hợp có tăng Triglyceride nặng và thiếu insulin: cần điều trị tăng đường huyết trước rồi sau đó đánh giá lại Triglyceride.
4. Dùng thuốc: Khi Triglyceride >11,3 mmol/L, hiệu quả của các thuốc làm giảm nồng độ TG bị hạn chế. Do đó, cách tiếp cận ban đầu trong điều trị những bệnh nhân này bao gồm hạn chế chặt chất béo trong chế độ ăn (chiếm <5% tổng lượng calo) cho đến khi Triglyceride < 11,3 mmol/L là giới hạn mà các thuốc giảm Triglyceride có thể có hiệu quả. Các thuốc gồm:
• Các thuốc không phải Statin: Nếu Triglyceride vẫn cao hoặc tăng lên thì dùng thêm Omega 3 (liều 2g EPA - eicosapentaenoic acid x 2 lần/ngày) và thuốc Fibrate để phòng ngừa viêm tụy cấp
• Phối hợp thêm hoặc tăng liều Statin để điều trị tăng Triglyceride ở những bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao, hoặc đái tháo đường hoặc đã có biến cố tim mạch
Riêng phương pháp truyền insulin tĩnh mạch thì vẫn còn tranh cãi