Những kết quả đạt được trong kế hoạch hợp tác KHCN đã mang lại hiệu quả, tác động tốt với từng bên, việc hợp tác đã tăng cường công tác quản lý nhà nước của Tổng cục Lâm nghiệp đối với các vấn đề, nội dung cụ thể còn tồn tại, vướng mắc trong quản lý thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là đóng góp của các tổ chức KHCN trực thuộc của Liên Hiệp Hội vào xây dựng Luật Lâm nghiệp, dự thảo các nghị định và thông tư quy định chi tiết Luật Lâm nghiệp.
Những hoạt động đáng lưu ý trong 5 năm hợp tác có thể kể đến như việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghiên cứu những nội dung bất cập giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp; Tiếp tục triển khai góp ý 07 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp; Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn tê tê Việt Nam (2018 - 2025); Góp ý các văn bản liên quan đến phân loại doanh nghiệp gỗ trong tiến trình thực hiện VPA-FLEGT; Khởi động chương trình xây dựng Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp trong bối cảnh Luật Lâm nghiệp mới. Đã tổ chức 16 hội thảo chuyên ngành về lĩnh vực lâm nghiệp, đã thực hiện được 25/25 các Chương trình, đề tài, đề án như Nghiên cứu, thí điểm phục hồi cảnh quan rừng dựa vào cộng đồng ở khu vực chồng lấn sử dụng đất của rừng đặc dụng; Tiếp tục thí điểm ứng dụng hỗ trợ giám sát chi trả DVMTR cấp địa phương; Nghiên cứu thí điểm tác động của phát triển giao thông xuyên biên giới đối với rừng và hoạt động lâm nghiệp; Nghiên cứu sinh thái và khả năng thích nghi của tê tê và rthú ăn thịt có gắn thiết bị theo dõi…
Kế hoạch hợp tác KHCN giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2019 - 2020 tập trung chủ yếu vào công tác tham vấn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực Luật Lâm nghiệp, triển khai một số sán kiến về thực hiện REDD+, chi trả dịch vụ môi trường rừng; triển khai các hoạt động hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ rừng và doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến gỗ về gỗ hợp pháp theo quy định của VPA/FLEGT.
Ngoài ra, còn một số các hội thảo liên quan đến sa mạc hóa và suy thoái đất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Thúc đẩy và tăng cường hoạt động ứng dụng KHCN cao vào sản xuất lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, quản lý rừng dựa vào cộng đồng, quản lý rừng tự nhiên và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sáng kiến mới về REDD+, FLEGT/VPA. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các đề án, chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp và quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.