Tuổi thơ dữ dội
"Đó là điểm thi cao nhất từ trước đến giờ ở làng trẻ SOS. Trước đó dù xuất sắc thì cũng chỉ có cháu đạt 26 điểm", ông Phan Văn Ẩm - Giám đốc làng trẻ SOS Thanh Hóa giới thiệu đầy tự hào với tôi về em Vi Thị Tuyết, người đã có 14 năm được chăm sóc, nuôi dưỡng tại làng trẻ SOS.
Những ngày qua, sau khi nhận được kết quả thi THPT, nữ sinh Vi Thị Tuyết, lớp 12C5, Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) như vỡ òa trong niềm vui sướng. Tại kỳ thi vừa qua, em đã xuất sắc đạt kết quả 27,5 điểm 3 môn khối D66 (Văn 8,75; GDCD 9,75; Anh 9).
Vẫn còn lâng lâng trong niềm hạnh phúc vỡ òa , Tuyết cho biết em sinh ra ở vùng đồng bào dân tộc Thái, ở xã Thanh Sơn (huyện Như Xuân, Thanh Hóa).
Để có được kết quả thi như vừa qua thì đó là cả một hành trình đầy gian nan đối với em. Khi em vừa tròn 2 tháng tuổi thì cha của em qua đời. 4 năm sau đó, mẹ em cũng rời xa em đi tìm bến đỗ mới, để lại em một mình không nơi nương tựa. Vì hoàn cảnh khó khăn nên các bác họ hàng đã làm thủ tục gửi em xuống làng trẻ SOS.
Theo Tuyết cho biết những ngày tháng đầu khi được đưa xuống làng trẻ SOS, cuộc sống của em như sang một trang mới. Mọi thứ đối với cô bé 4 tuổi lúc bấy giờ hoàn toàn xa lạ. Không có mẹ ở bên cạnh, có nhiều đêm em không ngủ được vì nhớ mẹ.
"Đó là ký ức tuổi thơ buồn mà em có muốn xóa cũng chẳng thể được. Những ngày đầu khi xuống làng ở thì em chỉ thấy nhớ mẹ. Vì khi đó em mới chỉ 4 tuổi nên cứ tối đến là em lại thấy nhớ mẹ", Tuyết nghẹn ngào tâm sự.
Nói đến đây, Tuyết không kiềm được cảm xúc, những giọt nước mắt của em cứ lăn dài trên má khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Theo Tuyết, những tháng ngày sống thiếu vắng tình cảm của mẹ khiến Tuyết từ cô bé nhanh nhảu dần trở nên nhút nhát, trầm lắng. Mọi sinh hoạt hằng ngày của em đều nhờ hết vào tình yêu thương của mẹ nuôi Đoàn Thị Hạnh.
Theo bà Đoàn Thị Hạnh (mẹ nuôi em Tuyết tại làng trẻ SOS), vì là người dân tộc Thái nên khi xuống ở tại làng trẻ SOS mọi sinh hoạt từ ăn uống đến giao tiếp với Tuyết hoàn toàn khác biệt và khó khăn so với các bạn khác.
"Phải mất một thời gian dài để Tuyết có thể làm quen được ngôn ngữ với các bạn và các mẹ nuôi tại làng. Khi xuống làng thì Tuyết mới chỉ 4 tuổi, lúc đầu nghe mẹ gọi mà Tuyết chỉ ngơ ngác không hiểu gì.
Ở làng trẻ có nhiều hoàn cảnh các cháu thật đáng thương, nhưng tôi ấn tượng mạnh với Tuyết lắm. Nó là đứa rất cứng cỏi, khi làm quen được với môi trường rồi cháu rất chăm ngoan, chịu khó học tập. Có được kết quả như ngày hôm nay tôi cũng mừng và vui nhiều lắm", mẹ Hạnh nói.
"Nghèo khó là cơ hội"
Theo cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C5, Trường THPT Tô Hiến Thành, để có được kết quả thi như vừa qua thì Tuyết đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực hết mình qua từng năm học.
"Tuyết là học sinh khá đặc biệt và có kỷ niệm khó quên đối với nhà trường. Khi tuyển sinh đầu vào lớp 10 thì Tuyết suýt trượt vì thiếu điểm, may mắn nhờ điểm ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số nên em đã đậu. Tuy đầu vào thấp hơn các bạn cùng lớp nhưng Tuyết có sự tiến bộ và vươn lên trong nhiều năm qua, kết quả thi vừa qua là hoàn toàn xứng đáng với em", cô Huyền chia sẻ.
Cũng theo cô Huyền, trong 3 năm học vừa qua Tuyết luôn xuất sắc là học sinh khá, giỏi. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng Tuyết luôn nỗ lực hết mình trong mọi hoàn cảnh.
Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, nữ sinh Vi Thị Tuyết cho biết em có phương pháp học tập khá đơn giản. Ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản ở trên lớp thì mỗi ngày em dành 2 tiếng để ôn luyện các đề thi nâng cao và học online trên mạng.
"Bí quyết để em chiến thắng tất cả không gì khác đó là sự nỗ lực và cố gắng. Ngay từ khi vào cấp 3 em đã luôn nhắc nhở mình dù trong hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực hết mình.
Em sinh ra đã ở trong hoàn cảnh khá đặc biệt nên lúc nào em cũng luôn tự động viên mình "nghèo khó là cơ hội". Nếu không có sự nghèo khó và thiếu thốn ấy thì chắc có lẽ em đã không làm được như ngày hôm nay", Tuyết chia sẻ.
Theo Tuyết cho biết, trong các môn học, Tuyết dành nhiều thời gian nhất cho môn tiếng Anh. Đây là môn học yêu thích nhất đối với Tuyết. "Khi còn nhỏ thì em nói được tiếng dân tộc Thái, nhưng khi lớn lên em chỉ nói được tiếng Kinh. Và giờ thì em lại thích nói tiếng Anh. Em thích giao tiếp với người nước ngoài, thích nghe nhạc nước ngoài, vì khi nghe tiếng Anh em cảm thấy như có sự cuốn hút rất tốt", Tuyết bộc bạch.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Tuyết bật mí sẽ muốn trở thành cô giáo dạy tiếng Anh. Với điểm thi vừa qua, em sẽ đăng ký xét tuyển vào khoa sư phạm tiếng Anh của Trường đại học Hồng Đức.
"Ngay từ khi ở trong làng trẻ SOS, nghe các mẹ các cô giảng bài em đã rất yêu thích nghề giáo. Đến khi đi học cấp 3, thấy các cô nhiệt tình giúp đỡ mình em càng cảm thấy yêu quý nghề này hơn nữa. Chính vì vậy em hy vọng sau này sẽ trở thành cô giáo để có thể ươm mầm các tài năng, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn", Tuyết nói.
Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành cho biết trong đợt thi vừa qua nhà trường có 348 thí sinh đăng ký dự thi, đậu tốt nghiệp 99,7 %. Cả khóa có 3 em học sinh đang sinh sống tại làng trẻ SOS.
"Riêng em Tuyết là một trong những học sinh có nỗ lực và ý chí học tập rất tốt kể từ khi vào lớp 10. Em xuất sắc trở thành 1 trong 7 thí sinh đạt trên 27 điểm của trường. Với điểm thi vừa rồi chúng tôi thấy rất xứng đáng đối với em, hy vọng trong thời gian tới em tiếp tục phát huy được khả năng của mình", cô Lệ cho biết thêm.
Thanh Tùng