Cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh giả
Viện KSNDTC đã ban hành cáo trạng của vụ án hình sự "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, liên quan đến việc cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.
Theo đó, Viện KSNDTC truy tố 10 bị can về tội "Giả mạo trong công tác", gồm: Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng Phòng Tài chính, kế toán), cùng các cán bộ của trường gồm Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương.
Trong vụ án này, ông Trần Khắc Hùng (sinh năm 1972, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2. Lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để vi phạm pháp luật, cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.
Đồng thời, Viện KSNDTC cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Trường Đại học Đông Đô.
Trước đó, cơ quan điều tra đã xác định Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2. Nhưng từ năm 2015 - 2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy cho Trường Đại học Đông Đô. Vụ Giáo dục Đại học xét duyệt đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đề án tuyển sinh năm 2017, 2018, 2019 có chỉ tiêu văn bằng 2 hệ chính quy.
Căn cứ tài liệu thu giữ được, cơ quan điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo, hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này cấp trong giai đoạn tháng 5/2018 đến tháng 3/2019). Có 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở.
Toàn bộ 193 bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp đều do Dương Văn Hòa ký với tư cách Hiệu trưởng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được 177 bằng giả, trong đó có 67 bản chính, 110 bản photo và 84 bảng điểm khóa học.
“Vội” hợp thức chứng cứ?
Tại văn bản số 3004/BGDĐT-QLCL gửi Đại học Đông Đô, Bộ GD&ĐT có ý kiến xử lý đối với những văn bằng được cấp sai quy định, đó là đều phải thu hồi, hủy bỏ. Theo đó, những người được tuyển sinh, được tổ chức đào tạo đúng quy định, đảm bảo chuẩn đầu ra thì được cấp bằng để đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Theo báo cáo của Đại học Đông Đô, do hình thức tổ chức đào tạo cấp văn bằng 2 giai đoạn 2017 - 2019 là vừa làm vừa học, nên ngoài những sai phạm trong tổ chức đào tạo, việc ghi trên bằng hình thức đào tạo chính quy là sai quy định - Bộ GD&ĐT khẳng định.
Vì vậy, tất cả các bằng cử nhân ngôn ngữ Anh ghi hình thức đào tạo văn bằng 2 chính quy do Trường Đại học Đông Đô cấp trong giai đoạn 2017 - 2019 phải thu hồi hủy bỏ, và công bố không có giá trị.
Tuy nhiên, đối với những học viên đã tốt nghiệp được cấp bằng mà đã được tuyển sinh, tổ chức đào tạo đúng quy định thì được đăng ký cấp bằng mới theo hình thức vừa làm vừa học.
Đại học Đông Đô thông báo thu hồi văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh đã cấp cho học viên trong giai đoạn từ năm 2017 – 2019 và cấp lại văn bằng 2 theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học. |
Ngoài ra, đối với những học viên chưa hoàn thành chương trình đào tạo, hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa được cấp bằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Đông Đô rà soát, phân loại, lập danh sách xử lý.
Phương án xử lý là đối với những trường hợp không được tuyển sinh đúng quy định thì cho thôi học. Những trường hợp được tuyển sinh đúng quy định thì tổ chức rà soát toàn bộ quá trình đào tạo để phân loại. Trường hợp đào tạo chưa đủ thì cho phép học hoàn thiện, bổ sung kiến thức, khi đủ điều kiện theo quy định thì được xem xét cấp bằng.
Đồng thời, Đại học Đông Đô phải mời đơn vị độc lập đánh giá năng lực ngoại ngữ của những học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo đủ điều kiện thì được xem xét cấp bằng. Đơn vị đánh giá năng lực ngoại ngữ phải được Bộ GĐ&ĐT cho phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Học viên tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đạt trình độ bậc 5 trở lên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (được Bộ GD&ĐT công nhận) tương đương bậc 5 trở lên trong thời hạn 2 năm, tính đến thời điểm nộp chứng chỉ thì được Hiệu trưởng nhà trường xem xét cấp bằng theo hình thức vừa làm vừa học.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận được Công văn của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Lê Ngọc Tòng, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô cũng đã ban hành Thông báo số 617/TB-ĐHĐĐ về việc thu hồi và cấp lại văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh đã cấp cho học viên trong giai đoạn từ năm 2017 – 2019, và cấp lại văn bằng 2 theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Nhà trường yêu cầu học viên làm đơn, nộp kèm theo văn bằng 2 và bảng điểm về trường. Sau đó, nhà trường xem xét những trường hợp đủ hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ đào tạo đúng với quy định và sẽ lập danh sách cấp lại văn bằng theo hình thức vừa làm vừa học.
Đại học Đông Đô quy định thời gian tiếp nhận đơn của học viên từ cuối tháng 07 đến giữa tháng 10/2021. Nếu quá thời hạn nêu trên, trường này không nhận đơn và không có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến văn bằng 2 của các học viên. Đồng nghĩa với việc các văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh đã cấp mà không làm thủ tục đổi bằng thì không còn giá trị.