Một trốn nã, gần 10 người bị bắt
Đầu tháng 8/2019, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường đại học Đông Đô. Đồng thời quyết định khởi tố bị can để điều tra về tội "giả mạo trong công tác" quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô, Trần Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương - cán bộ Trường Đại học Đông Đô.
Sau khi có quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với hai bị can Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Cơ quan an ninh điều tra áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với hai bị can Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương.
Ngày 26/10, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 bị can, gồm bà Trần Kim Oanh và ông Lê Ngọc Hà, đều là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô với cùng tội danh nêu trên.
Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với các bị can Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà.Tới ngày 13/1/2020, bà Lê Thị Thanh Tâm, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông và bà Nguyễn Thị Ngọc Thái, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội tiếp tục bị khởi tố cùng tội với các bị cáo nêu trên.
Như vậy, ngoài bị cáo Nguyễn Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT - đang trốn truy nã, thì toàn bộ Ban giám hiệu của Trường Đại học Đông Đô đều đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra.
Bộ GD&ĐT im lặng là “vàng”?
Mặc dù đã có gần 10 bị cáo trong vụ Giả mạo trong công tác tại Đại học Đông Đô bị khởi tố, tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý trực tiếp lại rất kín tiếng hoặc trả lời khá chung chung các thông tin liên quan tới vụ việc.
Cụ thể, trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8/2019, Bộ GD&ĐT xác nhận đã cung cấp phôi bằng cho Đại học Đông Đô theo đề nghị của trường này. Nhưng, Bộ không giải thích căn cứ vào những yếu tố nào để không xảy ra tình trạng cấp phôi bằng cho một chương trình đào tạo trái phép.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị cho phép đào tạo văn bằng 2 của Đại học Đông Đô, nên chưa có văn bản cho phép trường đào tạo văn bằng 2.
Tuy nhiên, theo thông báo số 173 ngày 1/4/2015 của Vụ Kế hoạch - Tài chính (thuộc Bộ GD&ĐT) do phó vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký cho thấy, đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy của Đại học Đông Đô là 500 chỉ tiêu.
Tiếp đó, theo thông báo số 68 ngày 24/2/2016, Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của ĐH Đông Đô là 150 chỉ tiêu ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này cũng do phó vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký.
Năm 2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính tiếp tục có thông báo số 136 ngày 7/3/2017, xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do vụ trưởng Trần Tú Khánh ký. Nơi nhận của các thông báo này là Đại học Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Quyết định trúng tuyển 341 học viên văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô năm 2017, trong khi thông báo số 136 ngày 7/3/2017 do Vụ trưởng Trần Tú Khánh ký xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của ĐH Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. |
Riêng năm 2018, theo các văn bản pháp lý ở thời điểm này, việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu không còn tồn tại. Thay vào đó, cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh Đại học chính quy theo quy định, công bố công khai và tự chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bên cạnh những bằng tốt nghiệp đại học được cấp “thần tốc”, trong những năm học trước đó, cũng có khá nhiều các học viên đã tin tưởng, học thật, thi thật theo các thông báo xác định chỉ tiêu của Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD&ĐT).
Những bằng tốt nghiệp này vẫn đang được các học viên tự tin “dùng” trong việc xét tuyển đầu ra, đầu vào các trương trình học Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư, hay thi tuyển công chức, nâng lương chuyển ngạch công chức, viên chức… Nhưng, về pháp lý, những bằng tốt nghiệp này vẫn đang ở chế độ “chờ”, để được phán xét là hợp pháp, hay bất hợp pháp.
Vì sao đã hơn 6 tháng sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về số phận những chiếc văn bằng 2 đã được cấp. Có bao nhiêu Thạc sỹ, Tiến sỹ, Giáo sư … đủ điều kiện “ra lò” từ những chiếc văn bằng 2 này?
Khó ở đâu, mà Bộ GD&ĐT lại để hàng ngàn văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô “ngoài vòng pháp luật"?
Liên quan tới việc học viên sử dụng Văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô trong việc xét tuyển đầu vào thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội, trả lời báo chí, ông Vũ Mạnh Dũng – Chánh văn phòng Học viện cho biết: “Học viện cũng đang chờ Bộ GD&ĐT công bố chính thức thu hồi văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô".
“Văn bằng 2 Tiếng Anh của những trường hợp nghiên cứu sinh nộp để xét tuyển hoàn toàn là bằng thật, phôi thật của Bộ GD&ĐT. Họ học thật và được cấp bằng thật. Bởi vậy, chúng tôi không có lý do gì để từ chối. Nếu chúng tôi từ chối, họ có thể kiện”. Những trường hợp sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh để xét tuyển đầu vào nghiên cứu sinh đợt 1 của Học viện khi chưa có ý kiến của Bộ GD&ĐT vẫn được công nhận kết quả. Hiện, chúng tôi chờ Bộ GD&ĐT có ý kiến chỉ đạo” - đại diện Học viện cho biết.