Võng mạc cảm nhận ánh sáng chủ yếu nhờ các tế bào hình nón và hình que. Tế bào que hoạt động tốt trong ánh sáng yếu nhưng không cảm thụ màu nên hiếm khi ta quan sát được màu sắc trong bóng tối. Ngược lại, tế bào nón cảm nhận được màu sắc và thích ứng nhanh với những thay đổi mạnh về cường độ ánh sáng.
Nghiên cứu trên kỳ nhông cho thấy, các sắc tố thị giác ở tế bào nón bị phá hủy khi hấp thu ánh sáng và phải tái tạo để chúng có thể tiếp tục cảm quang. Khi ra ngoài sáng, thành phần chính trong sắc tố là các chromophore sẽ chuyển đến lớp biểu mô sắc tố ở gần võng mạc. Tại đây, chromophore được phục hồi và về lại các tế bào cảm quang. Khi mất đi lớp biểu mô sắc tố ở võng mạc kỳ nhông, các sắc tố trong tế bào que bị phá hủy khi ra ngoài sáng và những tế bào này không thể phục hồi chromophore. Trái lại, sắc tố trong tế bào nón nhanh chóng tái sinh và tiếp tục cảm quang cả khi không có biểu mô sắc tố.
Nghiên cứu tập trung vào loại tế bào đặc biệt ở võng mạc có tên Müller. Tế bào này hỗ trợ, tương tác với tế bào que và tế bào nón. Khi vô hiệu hóa tế bào Müller, quá trình hình thành thị giác của võng mạc không thực hiện được vì tế bào nón không còn sắc tố cảm quang và cũng không thể thích nghi khi vào bóng tối.
Theo chuyên san Current Biology, tế bào Müller giữ vai trò then chốt trong quá trình này ở động vật có vú, kể cả con người. Khi nó thực hiện đúng chức năng, tế bào nón ở võng mạc chuột, các loài linh trưởng và người có thể hoạt động ngoài sáng và thích nghi trong bóng tối mà không cần đến lớp biểu mô sắc tố.
Phát hiện này hứa hẹn khả năng cải thiện thị lực khi những quá trình khác liên quan đến biểu mô sắc tố bị cản trở do tổn thương hay thoái hóa điểm vòng.
Theo Tạp chí hoạt động khoa học