Khi lượng nước tiểu trong bàng quang vượt quá 200 ml thì mọi người sẽ có cảm giác buồn tiểu. Khi lượng nước tiểu vượt quá 500 ml bàng quang sẽ chứa đầy nước tiểu, gây sưng tấy và căng cơ, tạo ra các tín hiệu điện đi vào tủy sống và não để tạo ra cảm giác muốn đi tiểu.
Nhiều người thường bận rộn đến mức không có thời gian đi vệ sinh, việc nhịn tiểu kéo dài 2 hoặc 3 tiếng là điều bình thường. Nhưng nếu quá thời gian này thì người đó phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp.
Ảnh minh họa |
Dưới đây là một số tác hại tiềm ẩn của việc nhịn tiểu quá lâu:
Gây mất kiểm soát tiểu tiện
Khi bạn nhịn tiểu, bàng quang sẽ bị căng ra và các cơ vòng bên ngoài bàng quang cũng bị kéo căng để chứa nước tiểu trong thời gian dài. Nếu việc này trở thành thói quen, tình trạng căng căng kéo dài có thể dẫn đến sự mất kiểm soát các cơ vòng. Điều này có thể dẫn đến vấn đề tiểu không tự chủ, trong đó bạn không thể kiểm soát được quá trình tiểu tiện và có thể gặp phải hiện tượng nước tiểu rò rỉ.
Sỏi thận
Nhịn tiểu quá lâu cũng có thể dẫn đến hình thành sỏi thận. Sỏi thận hình thành khi các chất trong nước tiểu tập trung lại và kết tinh thành viên sỏi. Triệu chứng của sỏi thận bao gồm đau đớn khi đi tiểu, buồn nôn và có thể có máu trong nước tiểu. Điều trị sỏi thận phụ thuộc vào kích thước của viên sỏi, từ việc uống đủ nước và dùng thuốc cho đến cần phẫu thuật lấy viên sỏi lớn.
Nguy cơ vỡ bàng quang
Vỡ bàng quang là hậu quả nghiêm trọng và hiếm khi nhịn tiểu quá lâu, thường xảy ra đặc biệt ở những người thường xuyên sử dụng rượu, bia hoặc ngồi lâu mà không đi tiểu khi cảm thấy buồn tiểu.
Khi lượng nước tiểu tích tụ đủ lớn, bàng quang sẽ bị căng đến mức không thể chịu nổi và có thể gây vỡ. Việc này đòi hỏi sự can thiệp cấp cứu và điều trị ngay lập tức để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể. Nếu vỡ bàng quang không được phát hiện và xử lý kịp thời, nguy cơ viêm nhiễm vùng tiểu khung, viêm xương chậu, viêm phúc mạc và thậm chí tử vong do sốc là rất cao.
Gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Nhịn tiểu quá lâu cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống đường tiết niệu, gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Nhiễm trùng này có thể xảy ra trong niệu đạo, bàng quang và thậm chí thận. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, thường dễ mắc UTI hơn nam giới do cấu trúc ngắn của niệu đạo.
Ở trẻ nhỏ, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như tăng huyết áp hoặc tổn thương thận. Triệu chứng thường gặp của UTI bao gồm cảm giác buốt rát khi đi tiểu, nước tiểu đục hoặc có máu, cảm giác buồn tiểu thường xuyên và sốt nhẹ.
Suy thận
Nhịn tiểu quá lâu có thể dẫn đến suy thận, khi thận không thể lọc độc tố và chất thải khỏi máu bằng đường tiểu. Suy thận có thể bắt đầu từ việc nhiễm trùng hoặc tổn thương thận. Triệu chứng của suy thận có thể bao gồm vết bầm tím trên da, phân có máu, tính khí thất thường, mệt mỏi và buồn ngủ. Đây là biến chứng nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời.
Ảnh hưởng đến ham muốn tình dục
Nhịn tiểu quá lâu có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống tình dục của cả nam và nữ giới. Ở nam giới, việc nhịn tiểu có thể gây ức chế thần kinh, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và đau khi xuất tinh sau khi nhịn tiểu lâu. Điều này có thể làm giảm ham muốn tình dục. Đối với nữ giới, áp lực từ việc nhịn tiểu có thể gây ảnh hưởng đến vùng xương chậu và cổ tử cung, làm giảm hưng phấn và suy giảm chức năng tình dục.