Suy tuyến thượng thận vì lạm dụng corticoid

Không chỉ người uống thuốc corticoid bị suy tuyến thượng thận mà cả những người dùng thuốc Đông y cũng bị bệnh này. Điều trị suy thượng thận do thuốc giống như quá trình cai nghiện thuốc phiện.

Nguy hiểm khi corticoid được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc Đông y

Tuần nào Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cũng gặp 2 - 3 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám, trong đó 2/3 đến khám vì những lý do rất vu vơ như mệt, đau mỏi xương khớp, hay phù, tăng cân...

Phía trên 2 thận có 2 tuyến thượng thận hình tam giác, kích thước nhỏ xíu như đầu đũa. Thượng thận là tuyến nội tiết, nó tiết ra một số hormon trong đó có cortisol chịu trách nhiệm điều hòa chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể (nên còn gọi là hormon glucocorticoid – corticoid chuyển hóa glucose) và duy trì chức năng tim mạch, huyết áp.

Ngoài ra, nó còn có một tác dụng quan trọng khác là làm giảm viêm và ức chế miễn dịch. Dựa trên đặc điểm này, từ năm 1948 người ta đã sản xuất ra các loại thuốc glucocorticoid tổng hợp có tác dụng chống viêm mạnh để điều trị viêm khớp rất hiệu quả. Phát minh này đã giúp BS Hench được nhận giải Nobel y học năm 1950.

Sau thời điểm trên, các thuốc glucocorticoid tổng hợp như Prednisolone, Methylprednisolone, Dexamethasone... được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của y học như ghép tạng, dị ứng, viêm khớp, hen phế quản và cả điều trị Covid-19... Sự lạm dụng thuốc cũng bắt đầu từ đây. Ước tính có khoảng 1% dân số Mỹ sử dụng thường xuyên các thuốc này.

tuyen-thuong-than.png

Tình hình trở nên rất tệ ở Việt Nam, khi ai cũng có thể tự mua được các thuốc này, theo đơn hoặc theo mách bảo của người khác, dùng để điều trị các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gút, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen... dưới các dạng bôi, hít, uống và tiêm... mà không biết rằng các thuốc này có thể gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, loãng xương, gãy xương, xuất huyết dưới da, hoại tử chỏm xương đùi, hạ kali máu, dễ bị nhiễm trùng, các vết loét lâu liền... thậm chí là rối loạn tâm thần.

Nguy hiểm hơn khi gần đây các thuốc corticoid này được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc Đông y được quảng cáo chữa bách bệnh. Do suy nghĩ thuốc “Đông y” là lành và an toàn nên nhiều người dùng vô tội vạ, nhưng sau một thời gian bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ càng nặng hơn. Những người này có đặc điểm chung là biến đổi về hình thể, mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo, da mỏng và dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn da đỏ...

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng corticoid là suy thượng thận do thuốc, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp và đã có trường hợp tử vong.

Điều trị suy thượng thận do thuốc corticoid giống như cai nghiện ma túy

Bình thường hoạt động của tuyến thượng thận được điều hòa bởi tuyến yên. Tuyến yên tiết ra hormon ACTH kích thích tuyến thượng thận tăng sản xuất cortisol và khi nồng độ cortisol trong máu cao sẽ phát tín hiệu lên tuyến yên để biết và giảm tiết hormon ACTH khiến hoạt động của tuyến thượng thận sẽ được giảm xuống. Ngược lại khi nồng độ cortisol máu giảm hoặc khi cơ thể cần nhiều cortisol (như khi bị ốm, sốt hay stress...) thì tuyến yên sẽ tiết ra nhiều hormon ACTH hơn để kích thích tuyến thượng thận hoạt động mạnh hơn, tăng tiết cortisol để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

suy-tuyen-thuong-than-1.jpg
Suy tuyến thượng thận vì lạm dụng corticoid.

Khi sử dụng quá nhiều thuốc glucocorticoid thì nồng độ corticoid (có cấu trúc tương đối giống với cortisol) tăng cao trong máu sẽ phát tín hiệu (thực chất là ức chế) để tuyến yên không tiết ra hormon ACTH nữa, hậu quả là tuyến thượng thận sẽ không hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài thì tuyến thượng thận sẽ bị teo và khi cơ thể cần nó sẽ không thể tiết ra cortisol được nữa. Khi đó cơ thể sẽ rơi vào tình trạng suy thượng thận.

Lưu ý, lạm dụng thuốc corticoid có thể gây suy thượng thận rất sớm, chỉ sau 2 tuần dùng thuốc. Nguy cơ gây suy thượng thận nặng nếu dùng thuốc liều cao, dùng đường tiêm, dùng nhiều lần trong ngày, dùng liên tục trong thời gian dài, dùng các thuốc tác dụng mạnh như Dexamethasone (rất hay có trong các thuốc Đông y trá hình)... Những người này, nếu bị nhiễm khuẩn, thì rất dễ bị sốc và trụy tim mạch rồi tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Điều trị suy thượng thận do thuốc giống như quá trình cai nghiện thuốc phiện. Đầu tiên cần ngừng ngay các thuốc corticoid đang dùng và đổi sang loại thuốc nhẹ nhất, ít gây ức chế tuyến yên nhất là Hydrocortisone với liều vừa đủ cho cơ thể cần. Đồng thời, phải điều trị các bệnh lý đi kèm.

Tuy nhiên, do tuyến thượng thận có thể đã bị teo nên thời gian đánh thức và phục hồi chức năng sẽ mất nhiều thời gian. Những người bị suy nhẹ có thể hồi phục sau 6 - 12 tháng, suy nặng cần 2 - 3 năm, nhưng cũng có những người bị suy thượng thận vĩnh viễn.

Suy tuyến thượng thận là bệnh nội tiết, không phải là bệnh thận nên người bệnh cần được khám và điều trị tại chuyên khoa nội tiết.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top