“Suy thượng thận do dùng Corticoid là tình trạng đáng báo động trong cộng đồng, gây suy mòn sức khỏe về lâu dài, thậm chí đe dọa tính mạng. Nhiều loại thuốc điều trị, kể cả thuốc đông y, thực phẩm chức năng... cũng gây bệnh. Điều trị suy thượng thận do thuốc giống như quá trình cai nghiện thuốc phiện”, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Biểu hiện trên da của bệnh nhân suy tuyến thượng thận tại Bệnh viện nội tiết Trung ương |
Thăm khám cho bệnh nhi bị suy tuyến thượng thận do tiêm Corticoid trị viêm tiểu phế quản tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương |
Biến chứng nguy hiểm
Anh L.X.T, 44 tuổi (Hải Phòng), bị tăng huyết áp và đau vùng cột sống cổ nhiều năm. Gần đây, triệu chứng nặng hơn nên anh tự mua thuốc đông tây y khác nhau về điều trị. Đến khi cơ thể xuất hiện đau đầu âm ỉ, chóng mặt, buồn nôn, nôn khan vã mồ hôi, run tay chân... anh đi khám tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp thì được chẩn đoán suy tuyến thượng thận cấp do thuốc, loét dạ dày tá tràng...
BS Vũ Công Quân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, bệnh viện đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau nhóm Corticoid liều cao sau đó dừng đột ngột. Điển hình như trường hợp bà N.T. D. 80 tuổi (Quảng Ninh). Bà D. có tiền sử viêm da cơ địa, đã điều trị tại một số bệnh viện.
1 tháng trước khi nhập viện, người bệnh xuất hiện đau khớp tay, chân... và tự mua thuốc về uống. Dừng uống thuốc được 2 ngày, người bệnh thấy mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém… Bác sĩ kết luận bệnh nhân hạ natri máu nặng, suy thượng thận cấp do Corticoid... phải điều trị tại Hồi sức tích cực.
Tương tự, tuần nào Khoa Nội tiết - Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai cũng gặp 2-3 bệnh nhân bị suy thượng thận đến kiểm tra, trong đó 2/3 là chẩn đoán qua mắt thường. Người bệnh đến khám vì những lý do rất vu vơ như mệt, đau mỏi xương khớp, hay phù, tăng cân. Có những người đã đi khám nhiều phòng nơi trong thời gian dài nhưng không được chẩn đoán chính xác.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, suy thượng thận do dùng Corticoid là tình trạng đáng báo động trong cộng đồng. Thực trạng ngày càng trở nên tệ ở Việt Nam, khi ai cũng có thể tự mua được thuốc chứa Corticoid, theo đơn hoặc theo mách bảo của người khác. Chất này thường có trong các loại thuốc điều trị các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gút, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen... dưới các dạng bôi, hít, uống, và tiêm... mà không biết rằng các thuốc này có thể gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: Xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội … Đặc biệt, lạm dụng Corticoid làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ.
Nghiêm trọng hơn, gần đây các thuốc Corticoid này được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là “đông y”, thực phẩm chức năng chữa bách bệnh. Do suy nghĩ thuốc “đông y” lành và an toàn nên nhiều người dùng vô tội vạ, và sau 1 thời gian bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ càng nặng hơn.
Những người này có đặc điểm chung là biến đổi về hình như mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo, da mỏng và dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn da đỏ....
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng Corticoid là suy thượng thận do thuốc, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp,... và đã có trường hợp bị tử vong.
Suy thượng thận do dùng Corticoid là tình trạng đáng báo động - Ảnh minh họa |
Điều trị giống như cai nghiện ma túy
Theo TS.BS Bảy, suy thượng thận do điều trị glucocorticoid là nguyên nhân thường gặp nhất trong các nguyên nhân suy thượng thận thứ phát, xảy ra do glucocorticoid ức chế vùng hạ đồi tuyến yên làm giảm tiết hormon ACTH.
Bình thường, hoạt động của tuyến thượng thận được điều hòa bởi tuyến yên, tuyến yên tiết ra hormon ACTH kích thích tuyến thượng thận tăng sản xuất Cortisol, và khi nồng độ Cortisol trong máu cao sẽ phát tín hiệu lên tuyến yên để tuyến yên biết và giảm tiết ACTH, khi đó hoạt động của tuyến thượng thận sẽ được giảm xuống.
Ngược lại, khi nồng độ cortisol máu giảm hoặc cơ thể cần nhiều cortisol (như khi bị ốm, sốt hay stress...), tuyến yên sẽ tiết nhiều ACTH kích thích tuyến thượng thận hoạt động mạnh hơn, tăng tiết cortisol đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Khi sử dụng quá nhiều thuốc glucocorticoid nồng độ corticoid (có cấu trúc tương đối giống với Cortisol) tăng cao trong máu phát tín hiệu (thực chất là ức chế) để tuyến yên không tiết ra hormon ACTH nữa, khiến tuyến thượng thận ngừng hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài dẫn đến tuyến thượng thận bị teo, khi cơ thể cần nó sẽ không thể tiết ra Cortisol được nữa. Khi đó, cơ thể rơi vào tình trạng suy thượng thận.
“Lạm dụng thuốc Corticoid có thể gây suy thượng thận rất sớm, chỉ sau 2 tuần dùng thuốc. Nguy cơ gây suy thượng thận nặng nếu dùng thuốc liều cao, đường tiêm, dùng nhiều lần trong ngày, liên tục trong thời gian dài, các thuốc tác dụng mạnh như Dexamethasone (hay có trong các thuốc đông y trá hình).... Những người này nếu bị nhiễm khuẩn rất dễ bị sốc và trụy tim mạch rồi tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, TS.BS Bảy nhấn mạnh.
Điều trị suy thượng thận do thuốc giống như quá trình cai nghiện thuốc phiện. Đầu tiên, cần ngừng ngay các thuốc Corticoid đang dùng và đổi sang loại thuốc nhẹ nhất, ít gây ức chế tuyến yên là Hydrocortisone với liều vừa đủ cho cơ thể cần. Đồng thời phải điều trị các bệnh lý đi kèm, bệnh lý là nguyên nhân khiến người ta tìm đến Corticoid. Tuy nhiên, do tuyến thượng thận có thể đã bị teo nên thời gian đánh thức và phục hồi chức năng mất nhiều thời gian. Những người bị suy nhẹ có thể hồi phục sau 6-12 tháng, suy nặng cần 2-3 năm, nhưng cũng có những người bị suy thượng thận vĩnh viễn.
Suy thượng thận gây suy mòn sức khỏe về lâu dài nên việc phòng tránh đóng vai trò quan trọng nhất. Người bệnh chỉ được kê toa sử dụng Corticoid đúng chỉ định, tuân thủ liều và lượng, tránh lạm dụng.
Các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng các loại thuốc lưu hành trên thị trường mà không rõ xuất xứ, nguồn gốc, vừa không giúp điều trị bệnh, vừa có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Khi dùng thuốc thấy các biểu hiện bất thường cần đi khám ngay. Suy tuyến thượng thận là bệnh nội tiết, không phải là bệnh thận, nên người bệnh cần được khám và điều trị tại chuyên khoa Nội tiết.
Triệu chứng của suy thượng thận
Mệt mỏi: Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, mệt càng tăng dần làm bệnh nhân cảm thấy chán ăn, giảm cân.
Trên da: Sắc tố da melatonin bị tích tụ lại trong lớp nhú của da và niêm mạc, gây sạm da từng vùng hay toàn thân.
Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, táo bón, đau bụng.
Trên hệ tim mạch: Hạ huyết áp, giảm thể tích tuần hoàn, hạ huyết áp tư thế, mạch nhỏ khó bắt, tiếng tim mờ. Trong suy thượng thận cấp có thể gây choáng, trụy tim mạch.
Trên chuyển hóa: Hạ đường huyết, giảm Na huyết, tăng Kali huyết, tăng Canxi huyết, tăng Ure, tăng Creatinin.
Trên thần kinh cơ: Yếu cơ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau lưng, chậm phát triển trí não, chậm chạp, trầm cảm.
Trên hệ tạo máu: Giảm tạo hồng cầu gây thiếu máu thiếu sắt, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, tăng bạch cầu ái toan.
Về sinh lý: Nữ rối loạn kinh nguyệt, mất kinh; nam giới thường bị bất lực sinh lý.