Ngày 9/6, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), đơn vị vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị thành công cho hai trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp, hôn mê sâu nguy kịch do ngộ độc so biển.
Bệnh nhân ngộ độc nặng do so biển được điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh Danviet |
Hai bệnh nhân nam là ông L.V.K (64 tuổi) và L.V.N (57 tuổi, đều trú tại TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất toàn bộ phản xạ gân xương và đồng tử, suy hô hấp, tiên lượng nguy kịch.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trưa ngày 7/6, hai bệnh nhân cùng ăn so nướng. Sau ăn, họ xuất hiện tình trạng tê bì môi lưỡi, yếu tay chân, nôn, khó thở, được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân ngộ độc so, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu thải độc, hồi sức tích cực theo phác đồ như thông khí nhân tạo, thở máy, bơm than hoạt tính, rửa dạ dày…
Sau 24 giờ điều trị tích cực, đến thời điểm hiện tại, hai bệnh nhân đã thoát nguy cơ tử vong, chỉ số sinh tồn ổn định, có ý thức phản xạ cơ, tay chân đáp ứng y lệnh của bác sĩ.
Đây là hai trường hợp bệnh nhân ngộ độc so nguy kịch trong số các trường hợp ngộ độc so Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận từ đầu năm đến nay.
Theo bác sĩ, hình dạng của so biển rất giống sam biển, tuy nhiên trong so biển có độc tố tetrodotoxin là độc tính rất mạnh, tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Đặc biệt vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ càng cao.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thận trọng phân biệt so biển và sam biển khi sử dụng, tuyệt đối không ăn các món ăn từ con so biển.
Hiện nay, không có thuốc giải độc đặc hiệu nên khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi… nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.