Ngộ độc sữa chua, 76 trẻ nhập viện: Vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy hiểm?

Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn (Đô Lương, Nghệ An) khiến 76 trẻ nhập viện, nguyên nhân do vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) có trong sữa chua lên men. Vậy vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kháng với nhiều loại kháng sinh

Theo bác sĩ của Bệnh viện Medlatec, đây là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.

Nếu ăn phải nguồn thực phẩm có nhiễm tụ cầu rất dễ bị ngộ độc thức ăn. Vi khuẩn này thường xâm nhập vào thực phẩm khi quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông. Tiếp sau đó, chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn kèm mủ với triệu chứng khởi phát là sự xuất hiện của mụn nhọt, chốc lở và các ổ áp xe trên da.

Bệnh do tụ cầu gây nên ở da thường do môi trường bên ngoài xâm nhập vào. Thường thì chúng ít gây bệnh nếu chỉ cư trú trên da. Tuy nhiên, khi có vết thương hở, mụn kèm theo vệ sinh kém, đề kháng yếu thì chúng sẽ có cơ hội gây nên các bệnh nguy hiểm.

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm khuẩn máu - một tình trạng nhiễm trùng nặng. Vi khuẩn này có thể đi tới các cơ quan nội tạng và gây ra các ổ áp xe tại đây đe dọa đến tính mạng con người. Ngoài ra, bệnh còn có nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: Nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương,...

Bảo quản sữa chua để tránh bị ngộ độc

Sữa chua tự làm

Để bảo quản sữa chua tự làm bạn cần bảo quản ở nhiệt độ 4 - 8 độ C sản phẩm mới được an toàn, nên sữa chua thường được để tại ngăn mát của tủ lạnh. Bạn cần đảm bảo phải giữ nhiệt liên tục để làm chậm quá trình lên men, sữa sẽ lâu chua và ít có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập.

Sữa chua mua của hãng

Các loại sữa chua của hãng có quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh nên có thể để được lâu hơn sữa chua nhà tự làm. Tuy nhiên, bạn cũng cần bảo quản sữa chua ở ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ 6 - 8 độ C và tránh bị tác động từ ánh sáng mặt trời.

Sữa chua hãng thường để được từ 1 - 2 tuần, tuy nhiên bạn nên dùng sau 1 tuần khi mua là tốt nhất để mùi vị và các thành phần có trong sản phẩm không biến chất.

Bảo quản sữa chua khi không có tủ lạnh

Trong trường hợp nhà bạn không có tủ lạnh hay tủ lạnh không còn khoảng trống, các bạn có thể cho sữa chua vào thùng nước đá hay chậu nước đá và duy trì trong mức dưới 8 độ C. Sữa chua sẽ được bảo quản an toàn và dùng được trong 1 - 2 ngày.

Bạn không được cho sữa chua tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay là để quá lâu ở bên ngoài. Bởi ở điều kiện thông thường thì những vi khuẩn có lợi ở bên trong sữa chua dễ dàng bị biến thành vi khuẩn có hại. Từ đó gây ra các tình trạng bị hư, ôi thiu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.

Bảo quản sữa chua khi đã mở nắp

Đối với hũ sữa chua không đường chưa mở nắp khi cho vào tủ lạnh thì có thể bảo quản trong 2 - 3 tuần. Cùng với đó, bạn chỉ nên để sản phẩm tại ngăn mát để khi sử dụng sẽ cảm nhận được rõ hương vị hơn.

Còn riêng với trường hợp hũ sữa chua không đường đã qua sử dụng, khi ăn không hết bạn nên bảo quản bằng cách bịt kín miệng hũ hoặc đựng trong hộp có nắp đậy. Tiếp đến, hãy cất vào tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng từ 5 - 8 độ C, lưu ý chỉ dùng trong 2 - 3 ngày.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết, đơn vị vừa có báo cáo kết quả nguyên nhân vụ ngộ độc xảy ra vào ngày 9/5/2023 tại Trường Mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương làm 76 trẻ nhập viện.

Ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã cử đoàn cán bộ tiến hành điều tra. Đoàn đã thực hiện lấy 10 mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc.

Trong đó có 6 mẫu thực phẩm được nhà trường thực hiện lưu mẫu trong bữa ăn trưa và bữa ăn giữa chiều cùng ngày gồm 1 mẫu sữa chua lên men, 1 mẫu dưa lưới, 1 mẫu cơm trắng, 1 mẫu canh bí đỏ nấu lạc, 1 mẫu thịt lợn kho trứng cút và 1 mẫu rau xào; 4 mẫu bệnh phẩm là chất nôn của các bệnh nhân bị ngộ độc được điều trị tại Trạm Y tế xã Thuận Sơn.

Sau kiểm nghiệm, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã có văn bản trả lời kết quả kiểm nghiệm mẫu nghi ngộ độc thực phẩm và các Phiếu kết quả kiểm nghiệm.

Căn cứ kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và kết quả điều tra ngộ độc cũng như triệu chứng lâm sàng của các bệnh nhân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An nhận định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm ngày 9/5/2023 tại Trường Mầm non Thuận Sơn là do vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) có trong sữa chua lên men.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top