Lần đầu đắp không thấy biểu hiện gì, nhưng đến lần đắp thứ 2 bệnh nhân thấy da hơi rát, qua ngày hôm sau, mặt đỏ bừng và đến tối cả khuôn mặt bị sưng phù. Ngay sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM và được nhập viện điều trị với thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc bôi tại chỗ. Sau 1 tuần điều trị, mặt hết sưng phù, mụn mủ tạm giảm bớt, bệnh nhân được cho xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà.
Mặt bệnh nhân bị sưng đỏ, nổi mụn mủ sau 2 lần đắp mặt nạ làm trắng da không rõ nguồn gốc. |
Theo BS.CKII Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, bệnh nhân N.T.H. bị viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính. Đặc trưng là phản ứng viêm da dạng chàm (nổi vẩy và mẩn ngứa). Thời gian để gây ra dị ứng không cố định ở từng người. Nhiều trường hợp quá mẫn có thể xảy ra ngay lần đầu tiếp xúc dị nguyên. Các chất gây dị ứng thường gặp như kim loại (nickel), mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, phấn hoa…
Trường hợp cấp tính có thể làm bùng phát ban đỏ, mụn nước và bóng nước, ngứa. Các trường hợp mạn tính có thể có biểu hiện da dày lên kèm các vết rạn và nứt da.
BS.CKII Đoan Phượng khuyến cáo, chị em phụ nữ cần thận trọng trong việc lựa chọn và sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp, đặc biệt không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghe theo các thông tin không chính xác trên mạng xã hội. Khi có bất kì biểu hiện bất thường, ngay lập tức đến thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu có uy tín để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc, như tốn thương da khó hồi phục, sạm da...
Bài thuốc Đông y làm đẹp da
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với phương châm quay về với tự nhiên, thiên nhiên, trong thẩm mỹ bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu các loại thảo dược giúp đẹp da tươi sắc. Trong đó, người ta hay dùng bạch chỉ. Bạch chỉ kháng khuẩn giảm đau là vị thuốc quý được dùng từ lâu đời trong rất nhiều bài thuốc trị bệnh đồng thời cũng là vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc dưỡng nhan cho nữ giới.
Theo Đông y, bạch chỉ có mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng, tính tân ôn, vào các kinh phế, vị, đại tràng. Thường dùng bạch chỉ để chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, mụn nhọt sưng đau, phong thấp, xích bạch đới, cầm máu, viêm tuyến vú, thông kinh nguyệt, dùng ngoài để chữa tràng nhạc, ghẻ lở… Bột bạch chỉ được dùng làm nguyên liệu chế ra các mỹ phẩm, hóa trang, làm đẹp như phấn, kem bôi mặt… có tác dụng hoạt huyết, làm mềm và trắng da, trừ các vết nám đen, chống nếp nhăn.
Làm giảm bớt các vết nám đen ở mặt: Bạch chỉ 30g, hoa đào tươi 250g ngâm với 1 lít rượu trắng, sau 1 tháng dùng được, mỗi ngày uống 2 lần.
Mặt nạ dưỡng da giúp da trắng mịn: 3 thìa mật ong rừng + 3 thìa bột bạch chỉ + 3 thìa sữa tươi nguyên chất. Trộn đều, đắp mặt nạ một tuần ba lần. Hoặc 5 thìa cà phê bột bạch chỉ và 1 quả trứng gà trộn đều với nhau đắp mặt nạ 30 phút rồi rửa lại mặt bằng nước ấm.
Bài thuốc đắp mặt của danh y Tuệ Tĩnh, gồm 4 vị thuốc sau: Bạch chỉ 6g; bạch linh 6g; hạnh nhân 6g; cao ống xương dê 6g. Các vị thuốc này được sấy khô, tán mịn, pha với nước sôi. Sau đó để ấm, đắp lên mặt. Mỗi lần đắp khoảng 5g, trong vòng 20 phút. Các vị thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, tăng cường độ ẩm cho da.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất cứ thứ gì trên da hay uống vào, người dùng cần đi khám, xác định tình trạng sức khỏe và tư vấn bác sĩ chuyên khoa để tránh các biến chứng không mong muốn.
|