Sư thầy Thích Minh Niệm: Thuốc chữa lành tổn thương ở bên trong mình

(khoahocdoisong.vn) - Chúng ta đang gặp nhiều tổn thương bởi những mất mát, biến động do đại dịch Covid-19 gây nên. Mất người thân, mất việc, bệnh tật... đã gây nên những tổn thương lớn trong tâm hồn nhiều người. Để chữa lành, theo Sư thầy Thích Minh Niệm cần nhận biết, tự chữa lành và biến tổn thương thành một món quà của cuộc sống.
Thầy Thích Minh Niệm.

Thầy Thích Minh Niệm.

Phải chú tâm thay đổi lối sống

Xin cảm ơn Thầy đã nhận lời chia sẻ về chủ đề “chữa lành tổn thương”! Trước hết, xin Thầy cho biết cách làm sao để nhận ra mình đang bị tổn thương?

Khi một con hổ bị trúng thương nó quyết định rút lui ngay vào hang để chữa lành vết thương. Con hổ nằm trong hang liếm vết thương đôi khi phải mất 2 - 3 tuần nhưng nó vẫn chấp nhận vì nó biết, chỉ có nó mới có thể tự chữa lành. Con người cũng biết những điều đó nhưng trong quá trình tiến hóa, có lẽ do mải quan tâm đến mưu sinh, đến những vấn đề chung quanh mà ít tập trung đến bản thân nên khả năng nhận biết tổn thương kém đi. Chỉ khi bị tổn thương quá nặng, bất bình thường, họ mới thừa nhận, quay về giúp đỡ bản thân. Cho nên một trong những bước quan trọng để chữa lành vết thương là phải nhận diện chuyện gì đang xảy ra bên trong và phải gọi được tên đó là gì. Khi biết mình bị cái gì, gọi được tên thì mới trị liệu được.

Nhưng dấu hiệu nào cho mình nhận biết được thưa Thầy?

Có những dấu hiệu ban đầu gồm: Tụt hết năng lượng; mỗi sáng thức dậy không muốn đi làm; buồn chán không có lý do; tự dưng trở thành một người đầy nghi kỵ, sợ hãi, hung dữ, hay phản ứng thái quá... mất sự kiểm soát bản thân. Đó là những tín hiệu bất thường.

Với những tổn thương sâu xa khó nhận thấy thì sao? Những tổn thương đó đến từ  nguyên nhân nào?

Tới bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của tổn thương mà chỉ liệt kê một số nguyên nhân chính như: do cấu trúc di truyền, do tổn thương từ nhỏ, do biến cố, do thất bại đầu đời, áp lực cuộc sống... Nhiều nhất là do lối sống. Lối sống bỏ rơi bản thân, nội tâm nghèo nàn, cằn cỗi, thường sống trong căng thẳng, có nhiều xung đột trong nội tại không giải quyết được cho đến khi có một tác động ngoại cảnh hoặc một nguyên nhân nào đó trong chính họ vỡ ra dẫn đến tổn thương.

Vậy có nghĩa là để phòng tránh tổn thương con người phải chú tâm thay đổi lối sống?

Đúng vậy. Có nhiều phương cách trị liệu nhưng phải nhìn ra nguyên nhân chính từ đâu. Các nhà khoa học đã cho thấy nguyên nhân chính là lối sống thì mình phải sửa lối sống của mình. Nhưng thay đổi lối sống là vô cùng khó. Vì thay đổi lối sống có thể là phải thay đổi công việc đang nhiều áp lực hay thay đổi tránh tiếp xúc những người mang lại năng lượng tiêu cực hoặc từ bỏ những thói quen xấu như nghiện thiết bị công nghệ, nghiện thuốc lá...

Vậy có cách nào để tự mình chữa lành cho mình không thưa Thầy?

Hầu hết những người bị tổn thương đều cần có sự giúp đỡ mới thoát được, bản thân họ trong giai đoạn ban đầu không tự thoát được. Vấn đề ai là người giúp đỡ?

Muốn tự chữa lành vẫn cần có người giúp đỡ ban đầu để gọi đúng tên tổn thương, mức độ và đưa ra các giải pháp. Dù có ai giúp đỡ thì cuối cùng cũng là chỉ cách cho họ quay về chính bản thân họ, vì thuốc chữa lành ở trong họ. Các nhà khoa học cho rằng những người bị tổn thương là não không tiết xuất, hoặc tiết ra rất ít endorphin (ngăn chặn cơn đau và xoa dịu cảm giác khó chịu) và serotonin (cảm giác hạnh phúc). Khi chúng ta bị nghiện một số chất kích thích, tình dục, game... thì não bộ tin rằng chúng ta tìm được yếu tố an thần vui tươi bên ngoài, nên não không tiết ra endorphin và serotonin nữa.

Nhưng không phải lúc nào con người cũng tìm được chất hấp dẫn từ bên ngoài nên khi não không tiết ra 2 chất này nữa thì họ cảm thấy tổn thương. Do đó, phải giúp cho người tổn thương quay lại tìm đến nội tiết tố trong tâm hồn: sự thư giãn, an trú trong hiện tại, sự bình an, vui tươi, hồn nhiên... Khi tâm hồn tiết ra những tiết tố đó, não bộ sẽ tiết ra endorphin và serotonin chữa lành tổn thương. Hai hormon hạnh phúc này ở chính trong cơ thể nên dù có gặp các nhà trị liệu thì cuối cùng vẫn phải là quay trở về với chính họ, tin vào chính họ, nương tựa vào chính họ, vì thuốc ở trong họ.

Tổn thương cũng là một món quà

Cách đưa họ trở về với chính họ ở mỗi người có giống nhau không, hay mỗi người mỗi khác?

Cái đích giống nhau nhưng cách tiếp cận ban đầu tùy tình trạng bệnh, thói quen, sở thích, mỗi người khác nhau.

Ngày nay nhiều người tìm đến với Thiền như một phương pháp tự chữa lành. Phương pháp đó có hiệu quả không, thưa Thầy?

Chủ quan của Thầy cho rằng đó là cách hữu hiệu nhất (có căn cứ khoa học). Thiền là cách tập dừng suy nghĩ, đưa tâm rong ruổi lo lắng về với hiện tại. Ngưng suy nghĩ chỉ là bước cơ bản ban đầu, trạng thái kế tiếp là phải nhận biết mọi thứ đang diễn ra vì hầu hết người tổn thương ít nhận biết mọi thứ đang diễn ra. Hành thiền là luyện đưa tâm về hiện tại, cảm nhận nắng đang lên, gió đang thổi, hoa đang nở, mình đang mệt mỏi hay dễ chịu, có suy nghĩ hay không suy nghĩ, tích cực hay tiêu cực, mong muốn gì... Đó là cách nhận biết bản thân. Chỉ có nhận biết thì mới có thể chữa lành.

Điều đó thật tốt cho cuộc sống bận rộn ngày nay, nhưng lại không dễ thực hiện!

Thiền rất khó vì chống lại thói quen sinh hoạt. Nhưng hành thiền không phải tạo ra thói quen mới mà là khôi phục một thói quen có sẵn trong mình. Con người ai cũng có khả năng ngồi im, ai cũng có khả năng cảm nhận những thứ diễn ra xung quanh mình, thấu hiểu nội tâm chính mình, thậm chí biết rõ mình là ai trong cuộc đời này. Khi hành thiền giai đoạn ban đầu có thể là tạm gọi xây dựng thói quen mới nhưng dần dần thấy thân quen thuộc về mình chứ không phải là cái gì đó xa lạ.

Tuy nhiên, những người bị tổn thương tâm lý càng khó thiền hơn. Do vậy, với những người tổn thương, ban đầu có thể chỉ khuyến khích họ tiếp xúc thiên nhiên, tập yoga, thể thao, gặp gỡ những người có năng lượng thiện lành... để cắt cơn ban đầu. Sau đó mới có thể đến Thiền. Vì hành Thiền là một cuộc chiến đơn độc. Chỉ mình bạn có thể đi vào bên trong bạn đối diện với các vấn đề của bản thân. Trong việc chữa lành, ngoài học về phương pháp cần được các chuyên gia hướng dẫn cách xử lý, tức là thái độ với vết thương của mình, học cách chăm sóc tâm của mình sao cho giữ được cái nhìn tích cực.

Nếu có người thân bị tổn thương mà mình không biết về tâm lý thì có thể trở thành nhà trị liệu không thưa thầy?

Mỗi người đều có thể trở thành một nhà trị liệu nếu chúng ta có nguồn năng lượng tích cực, có sự bình an và yêu thương. Đôi khi chỉ cần lắng nghe, mỉm cười, không cần biết về các liệu pháp tâm lý, chỉ cần là chỗ dựa cho người bị tổn thương và đưa ra một vài lời khuyên tích cực. Nhưng tóm lại, người chữa lành cho người tổn thương là chính họ chứ không phải ai khác.

Thật ra, tổn thương là sự thiệt thòi nhưng cũng là một món quà. Chỉ khi bị tổn thương con người mới khát khao sự sống, mới hiểu sâu về bản thân và chấp nhận bản thân, vun đắp cho tâm hồn mình một cách triệt để. Và chỉ có người đã đi qua tổn thương mới trị liệu được cho những người đang tổn thương. Vậy nên chúng ta cần cởi mở, chấp nhận sự tổn thương để hiểu về bản thân mình nhiều hơn, trưởng thành hơn. Tại sao không?

Dạ đúng vậy! Xin cảm ơn Thầy về cuộc trò chuyện này!

Sư thầy Thích Minh Niệm tên thật là Lê Quốc Triều quê tại Châu Thành, Tiền Giang. Với mong muốn tìm kiếm giá trị chân thật trong cuộc sống và khám phá bản thân thầy đã xuất gia từ lúc 17 tuổi. Thầy Thích Minh Niệm là người sáng lập dòng Thiền Hiểu Biết (Understanding Meditation) kết hợp giữa tư tưởng Thiền Nguyên thủy Vipassana và Phật giáo Đại thừa. Năm 2015, thầy sáng lập Trung tâm Hàm dưỡng Tâm hồn và Rèn luyện kỹ năng sống (gọi tắt là Bản Hoa Anh Đào) tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thầy là tác giả hai cuốn sách “Hiểu về trái tim” và “Làm như chơi” được đông đảo công chúng đón nhận ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo Đời sống
Suy giáp hậu COVID-19 và những rủi ro tiềm ẩn

Suy giáp hậu COVID-19 và những rủi ro tiềm ẩn

COVID để lại nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là vấn đề suy giáp hậu COVID. Không chỉ những người có bệnh lý nền mà những người bình thường vẫn có thể có một số ảnh hưởng liên quan đến vấn đề này.
back to top