Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin về việc tiếp nhận một bé trai trong tình trạng nguy kịch do được gia đình trị nấm miệng bằng "thuốc cam".
Theo đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch: vật vã, kích thích, sốt cao, tinh thần lơ mơ, không tỉnh táo. Khi được các bác sĩ tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám và khai thác tiền sử, gia đình cho biết, bệnh nhi bị nấm miệng nên đã mua thuốc cam để đánh tưa lưỡi trong suốt 7 ngày.
Điều trị nấm miệng bằng "thuốc cam" trong vòng 1 tuần, bé trai phải thở máy, lọc máu liên tục. Ảnh BVCC |
Kết quả, bệnh nhi xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng bao gồm sốc nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa nặng, và phải cấp cứu khẩn cấp.
Bé được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi tiếp tục được thở máy, lọc máu nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khuyến cáo các bậc phụ huynh, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ, đặc biệt là thuốc không rõ thành phần và không được Bộ Y tế kiểm định cấp phép.
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.
Dấu hiệu nhiễm độc chì ở trẻ em
- Trẻ nhiễm độc chì có thể biểu hiện đa dạng, từ cấp tính đến mạn tính, gồm:
- Thần kinh: Kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt.
- Phát triển: Chậm phát triển nhận thức, giảm khả năng nghe, mất kỹ năng học tập, thay đổi hành vi, mệt mỏi.
- Tiêu hóa: Nôn, đau bụng, chán ăn, thiếu máu dẫn đến da xanh xao, cơ thể gầy yếu.
Ngoài ra, nhiều biểu hiện nhiễm độc chì rất kín đáo và chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm định lượng chì trong máu.