Dị tật tim dễ nhầm lao phổi… kê thuốc sai, hại tính mạng

Bé trai 2 tuổi người Campuchia bị dị tật tim bẩm sinh nguy hiểm, nhưng bị kê nhầm thuốc lao phổi suốt 6 tháng đã được các bác sĩ Việt Nam chẩn đoán, cứu sống.

“Bệnh tim bẩm sinh gặp ở khoảng 0,8% trẻ sinh ra sống, trong đó có những bệnh tim bẩm sinh nguy kịch có thể tử vong ngay giai đoạn sơ sinh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện sớm, được phẫu thuật, tim có thể phục hồi lại bình thường”, TS.BS Lê Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Mắc bệnh tim... được kê đơn điều trị lao phổi

Ngày 12/11, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã phẫu thuật cứu một trường hợp trẻ người nước ngoài có bệnh cảnh đặc biệt. Bệnh nhi là bé trai tên Q.N. (2 tuổi, quốc tịch Campuchia), nhập viện ngày 28/10 với bệnh cảnh thở mệt, bứt rứt...

Theo lời kể của người nhà, từ 4 tháng tuổi bé đã có triệu chứng khó thở, được gia đình đưa đi khám chữa nhiều nơi không khỏi và được một bệnh viện ở Phnom Penh (Campuchia) chẩn đoán viêm phổi, theo dõi lao phổi. Bệnh nhi uống thuốc điều trị lao liên tục trong 6 tháng, nhưng tình trạng không cải thiện.

Trong một lần tình cờ sang Việt Nam cùng gia đình, bé được một bác sĩ Việt Nam khám và nghi ngờ bệnh tim mạch, khuyên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám.

ThS.BSCK2 Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, kết quả làm các xét nghiệm, siêu âm tim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có nước tiểu đỏ (triệu chứng khi dùng thuốc trị lao phổi kéo dài), đồng thời có dị tật tim bẩm sinh nặng - dị tật màng ngăn nhĩ trái ở tim.

Trong các dị tật về tim, khi màng ngăn nhĩ trái có tắc nghẽn mà không được phát hiện, xử trí kịp thời sẽ có nguy cơ đột tử. Nếu phát hiện sớm, được phẫu thuật, tim có thể phục hồi lại bình thường.

Do bệnh nhi không được chẩn đoán sớm, khiến trái tim gánh chịu hậu quả khá nặng nề: Sức co giãn cơ tim của bé giảm mạnh, áp lực động mạch phổi cao.... Bệnh nhi cần phải phẫu thuật khẩn, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

Dị tật tim bẩm sinh, màng ngăn nhĩ trái của trẻ trên phim chụp - Ảnh BVCC

Dị tật tim bẩm sinh, màng ngăn nhĩ trái của trẻ trên phim chụp - Ảnh BVCC

Nghe phải mổ tim với số tiền lớn (khoảng hơn 100 triệu đồng), vì không đủ tiền nên gia đình xin cho bé về. Trước tình huống trên, Ban Giám đốc Bệnh viện đã cân nhắc và quyết định tài trợ toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhi, với tinh thần cứu người là trên hết.

ThS.BSCKII 2 Nguyễn Trí Hào, Trưởng khoa Tim mạch cho biết, quá trình phẫu thuật, dù bé được gây mê sâu, nhưng áp lực động mạch phổi vẫn rất cao, trái tim đập rất yếu song ê-kíp đã cố gắng phá bỏ hoàn toàn màng ngăn nhĩ trái ở tim để cứu bé.

Sau ca mổ, bé được hồi sức rất kỹ, dùng các thuốc hỗ trợ tim và an thần, sau đó chuyển vào khoa Nội Tim mạch điều trị tích cực. Đến nay, từ chỗ nguy kịch, bệnh nhi dần hồi phục, thở được khí trời, ăn uống qua đường miệng bình thường.

Theo BS Hào, dị tật màng ngăn nhĩ trái ở tim rất hiếm gặp, với tỷ lệ 1/1.000 trường hợp. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ tiếp nhận một trẻ mắc bệnh này. Đáng chú ý, trẻ dù bị dị tật ở tim nhưng sẽ có tình trạng bị ứ máu lại ở phổi, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh ở phổi nếu người điều trị không có chuyên môn sâu về tim mạch.

Ở trường hợp này, bé N. bị chẩn đoán nhầm là lao phổi, phải uống thuốc kháng lao kéo dài, rất may bệnh nhi mới có nước tiểu màu đỏ, ít nhiều ảnh hưởng đến gan nhưng chưa gặp các biến chứng khác liên quan đến việc uống sai thuốc.

0,8% trẻ bị dị tật tim bẩm sinh, cần sàng lọc phát hiện sớm

TS.BS Lê Hồng Quang, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Hồi sức Nội tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tim bẩm sinh gặp ở khoảng 0,8% trẻ sinh ra sống, trong đó có những bệnh tim bẩm sinh nguy kịch có thể tử vong ngay giai đoạn sơ sinh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh tim bẩm sinh được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm tim. Nhưng không phải tất cả bệnh tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện trước sinh. Nếu không có sàng lọc sau sinh, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bị bỏ sót khi xuất viện do sau sinh trẻ vẫn tồn tại ống động mạch hoặc lỗ bầu dục, nên chưa xuất hiện triệu chứng ngay trong giờ đầu hay một vài ngày sau sinh.

“Giai đoạn vàng để kiểm tra chính là trong thời gian trẻ còn lưu lại phòng sơ sinh. Nếu không kiểm tra sàng lọc một số bệnh tim bẩm sinh có thể dẫn đến các tình huống nghiêm trọng như sốc tim, thậm chí tử vong khi trẻ ra viện về nhà”, TS.BS Quang cho hay.

Bé người Campuchia được phẫu thuật cứu sống và chuẩn bị ra viện - Ảnh BVCC

Bé người Campuchia được phẫu thuật cứu sống và chuẩn bị ra viện - Ảnh BVCC

Theo TS.BS Lê Hồng Quang, ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện bệnh tim bẩm sinh gồm khó thở, thở nhanh, bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài. Trẻ được vài tháng tuổi sẽ có những biểu hiện rõ rệt hơn như ho thường xuyên, thở khò khè và có những đợt nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn.

Trẻ có thể chậm phát triển thể chất, xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, một số trẻ tim bẩm sinh có tím sẽ dễ quan sát thấy môi, đầu ngón chi chuyển sang tím và tăng lên khi trẻ khóc…

Các dị tật tim bẩm sinh cũng thường đi kèm với các bệnh lý có liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể như hội chứng Down, thiếu hoặc thừa ngón chân, sứt môi… Do đó, trong những trường hợp này trẻ cần được theo dõi kỹ, sát sao để sớm phát hiện những dị tật tim bẩm sinh nếu có.

Tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh sớm để điều trị can thiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu. Sàng lọc tim bẩm sinh bằng máy đo độ bão hòa oxygen qua da (SpO2) là phương pháp sàng lọc một số bệnh tim bẩm sinh đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng cho trẻ sơ sinh sau sinh từ 24-48 giờ.

Đây là phương pháp đơn giản, không xâm lấn và không đau, thực hiện được tại tất cả các cơ sở y tế từ trạm y tế đến bệnh viện. Qua đó sẽ giúp chúng ta phát hiện được một số dị tật tim bẩm sinh tím hoặc tim bẩm sinh phụ thuộc ống động mạch.

Để đo độ bão hòa oxygen, nhân viên y tế sẽ đo SpO2 tại vị trí bàn tay phải và chân của trẻ, thời gian làm chỉ kéo dài khoảng vài phút khi trẻ nằm yên và được ủ ấm. Các dị tật tim bẩm sinh tim phụ thuộc ống sẽ có kết quả đo độ bão hòa oxygen < 95%, hoặc có sự chênh lệch giữa tay và chân ≥ 3%.

Cha mẹ nên sàng lọc tim bẩm sinh trước cho trẻ bằng siêu âm tim thai và sau sinh ở trẻ sơ sinh bằng phương pháp đo SPO2 qua da (bao gồm trẻ có thai kỳ khỏe mạnh). Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về tim mạch, cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top