Thông tin cho rằng trà sữa trân châu đường đen là thức uống có hại nhất trong các loại trà sữa, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh là không có cơ sở và phản khoa học.
Không ai pha nhiều đường như thế!
Mới đây, trang Facebook chính thức của Bệnh viện Mount Alvernia ( Singapore) đã chia sẻ một bài viết so sánh giữa lượng đường và lượng calories có trong các loại trà sữa, kèm theo những loại topping được ưa chuộng nhất hiện nay. Mỗi cốc trà sữa trân châu đường đen chứa tới 18,5 thìa cà phê đường (tương đương 92,5g đường), thậm chí có thể nhiều hơn tùy vào mỗi nơi bán. Trong khi đó, một lon nước ngọt cũng chỉ chứa 7 thìa cà phê đường (tương đương 35g đường). Nghĩa là lượng đường trong một cốc trà sữa trân châu đường đen cao hơn 2,6 lần so với nước ngọt cũng như các loại trà sữa khác.
Nhiều tờ báo dẫn nguồn tin với những cảnh báo trà sữa trân châu đường đen là thức uống có hại nhất trong các loại trà sữa…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho rằng, đây là kết luận không có căn cứ, dễ dẫn đến những hiểu lầm về loại đồ uống này. Cụ thể, không ai pha đến 18,5 thìa cà phê đường vào một cốc trà. Đây là một số lượng đường rất lớn, các hãng sản xuất trà sữa hiện nay cũng phục vụ theo nhu cầu của khách hàng, đa phần trà chỉ có vị hơi ngọt, mát chứ không ngọt gắt. Nếu pha đến 18,5 thìa cà phê thì cốc trà sữa sẽ trở thành cốc đường chứ không còn là trà sữa nữa.
Đường đen bổ dưỡng hơn đường trắng và nâu
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trà sữa trân châu là đồ uống ưa thích của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Uống trà sữa ở mức độ bình thường, không quá nhiều, thì không gây hại. Riêng đối với trà sữa đường đen thì còn bổ dưỡng hơn các loại trà sữa khác. Đường có 3 loại gồm đường trắng, đường nâu và đường đen. Đường trắng là đường tinh luyện, có màu sắc đẹp, nhưng loại đường này chỉ cung cấp năng lượng chứ không cung cấp dinh dưỡng. Đường nâu còn gọi là đường hoa mai tốt hơn đường trắng, vì là loại đường chưa tinh luyện hoàn toàn. Đường đen là loại đường làm từ mật mía, chưa qua quá trình tinh lọc. Sau khi ép mía, nấu lên thì ra mật mía, sau đó lắng cặn lại và ép thành bánh đường đen.
“Đường đen cung cấp năng lượng và dinh dưỡng vì nó còn lại cả chất khoáng có trong cây mía cùng nhiều vitamin khác. Cũng giống như uống nước mía ép luôn tốt hơn uống nước đường. Loại đường này có vị ngọt đậm và kèm theo mùi mật mía, nên không phù hợp để chế biến các món như chè đậu xanh hay nước chanh, nhưng lại rất hợp nấu chè đậu đen. Món trà sữa trân châu đường đen bởi thế sẽ có nhiều dinh dưỡng hơn các loại trà sữa khác”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Điều đáng lưu ý khi uống trà sữa là không nên uống vị quá ngọt, có thể yêu cầu người bán giảm lượng đường theo khẩu vị của mình. Và không uống quá nhiều thành nghiện mà hợp lý nhất là mỗi tuần chỉ nên uống 1-2 cốc để tránh bị nguy cơ béo phì. Dù là món khoái khẩu, không độc hại, thậm chí bổ dưỡng, cũng không nên uống nhiều quá.