Sự thật “hai mặt” về thực phẩm hỗ trợ điều trị xương khớp

Thực phẩm chức năng (TPCN) tốt cho xương khớp có rất nhiều trên thị trường với đa dạng thương hiệu và mức giá khác nhau. Điều quan tâm của người tiêu dùng là công dụng thật của loạt TPCN này.

Nhiều người mắc bệnh xương khớp tìm đến TPCN với mong muốn cải thiện tình hình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nếu dùng sai cách có nguy cơ gây tác hại cho sức khỏe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rao bán tràn lan

Chỉ cần vào Google tìm kiếm từ khóa "thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị xương khớp", khoảng 22.300.000 kết quả xuất hiện trong 0,24 giây, với đủ loại, từ dạng viên thuốc, cao, gel… Trên nhiều trang thương mại điện tử, TPCN dành cho người mắc bệnh xương khớp được rao bán tràn lan với thương hiệu và giá thành khác nhau.

Cụ thể, trên trang TiKi, combo 2 hộp JEX giảm đau, bảo vệ xương khớp 60 viên tặng một hộp 15 viên có giá hơn 1,2 triệu đồng. Viên xương khớp Khương Thảo Đan Gold Thái Minh - Lọ 120 viên hơn 600 nghìn đồng. Viên uống hỗ trợ bôi trơn xương khớp, tăng cường độ đàn hồi tế bào sụn Solgar Glucosamine Condrotin MSM (hàng nhập khẩu chính hãng) gần 2 triệu đồng…

Trên website https://www.dieutridau.com, DuoVital (hộp 2 chai 500 ml) được rao bán với 5,3 triệu đồng. Sản phẩm được giới thiệu là hàng nhập khẩu nguyên hộp từ CHLB Đức, có công dụng hỗ trợ điều trị và dự phòng bệnh khớp, giúp làm đẹp da… “cho hiệu quả tác dụng sau 15 - 20 ngày điều trị”.

Tại Fanpage “Thực phẩm chức năng xách tay Nhật Bản”, hàng chục loại viên uống được giới thiệu có công dụng chữa bệnh xương khớp, sỏi thận, ngừa đột quỵ, giải độc gan… Giá bán từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/hộp.

Một số nhóm như “Hội mua bán thuốc và thực phẩm chức năng”; “Spesa - hàng Mỹ”; “Thực phẩm chức năng Nhật chính hãng”… với hàng triệu thành viên hoạt động sôi nổi, chứng tỏ sức hút và lợi nhuận của loại sản phẩm này.

Trước nhu cầu cũng như lo lắng của người bệnh, thị trường ngày càng bán nhiều loại TPCN được quảng cáo là điều trị và phòng ngừa các bệnh về xương khớp. Nhiều người mua về sử dụng trong thời gian dài, thậm chí nhiều năm, với hy vọng phòng ngừa và điều trị bệnh xương khớp.

Sản phẩm Khớp Đan Vương được quảng cáo trên Facebook: “Trị dứt điểm đau xương khớp, không cần phẫu thuật, không cần châm cứu, không cần tới những giải pháp trị liệu đắt tiền…”? Ảnh chụp màn hình.

Anh Phan Văn Hưng (quận 5, TP HCM) cho hay, anh thấy quảng cáo thuốc trị xương khớp, tiểu đường, nhất là thuốc cường dương trên YouTube. Chúng xuất hiện ở cả video hoạt hình và chương trình dành cho trẻ nhỏ.

Các video quảng cáo thuốc vẫn được thực hiện theo phong cách quen thuộc trước đây. Nội dung quảng cáo được lồng ghép hình ảnh của người nổi tiếng hoặc một số người tự nhận là bệnh nhân đã khỏi sau khi sử dụng thuốc.

“Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về TPCN. Có người còn giả mạo bác sĩ, lương y của bệnh viện lớn để tư vấn về TPCN... như thuốc chữa bệnh. Những bài quảng cáo này luôn kèm câu khẳng định như: Tốt nhất, chữa dứt điểm, xóa bỏ tình trạng đau nhức, khỏi ngay tại nhà...", anh Hưng nói.

Tại tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" do Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam phối hợp Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức cuối tháng 5/2024, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, cảnh báo, quảng cáo sai trong lĩnh vực TPCN gây ra những tác hại rất nguy hiểm cho xã hội.

Chỉ cần vào mạng gõ dòng chữ “thực phẩm chức năng xách tay", hàng nghìn kết quả sẽ hiển thị. Trên mạng, hàng trăm sản phẩm được quảng cáo có công dụng chữa bệnh tim mạch, xương khớp, sỏi thận, ngừa đột quỵ, giải độc gan…, thậm chí chữa cả khối u, với giá bán từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng/hộp (có thể cao hơn nếu hàng được quảng cáo là của Mỹ, châu Âu…).

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam cho thấy, 80% quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh trên môi trường Internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” TPCN.

Dùng không đúng cách, nguy cơ gây hại sức khỏe

Theo Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM), sử dụng TPCN phải có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Đặc biệt, dùng TPCN không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Dược sĩ Nhân thông tin, TPCN cũng chỉ là "thực phẩm". Bởi không có nghiên cứu, chứng minh đạt hiệu quả rõ ràng nên chúng được xếp vào nhóm TPCN. Sử dụng TPCN tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí biến chứng.

Ví dụ, người không có dấu hiệu loãng xương hay thiếu canxi nhưng vẫn bổ sung canxi, sẽ dẫn đến thừa canxi, gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, từ đó làm cho cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Bên cạnh đó, thừa canxi còn gây tình trạng quá tải cho thận, nếu vẫn tiếp tục bổ sung thừa trong thời gian dài thì làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.

Nếu sử dụng TPCN không có chỉ định của bác sĩ, biến chứng có thể dẫn đến dư thừa, như thừa vitamin C gây tiêu chảy, nổi mụn, đau đầu, buồn nôn và phá hủy chức năng của thận, gây sỏi thận; thừa acid folic gây ung thư, đau bao tử, khó ngủ, tim đập nhanh, co giật…

"Thực tế hiện nay, rất nhiều loại TPCN bị làm giả. Sử dụng những loại sản phẩm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, có thể bị tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở… Người dùng trong thời gian dài dẫn đến các bệnh lý về thận, gan, mật…", Dược sĩ Thành Nhân nhấn mạnh.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thực tế đã ghi nhận nhiều sản phẩm TPCN trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo. Riêng Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, trước đây, tiếp nhận những trường hợp ngộ độc những loại TPCN có chứa chất cấm.

"Đã có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não và phải cấp cứu điều trị. Xét nghiệm những loại sản phẩm này phát hiện có chứa chất cấm, ảnh hưởng sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein... Thậm chí, có những chất chỉ được phép có trong thuốc nhưng lại được cho vào TPCN. Dùng những chất này rất ảnh hưởng sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.

Trong vai có người nhà đau khớp, đi lại khó khăn, PV liên hệ số điện thoại 0845898686 ghi trên website https://www.dieutridau.com có quảng cáo sản phẩm DuoVital. Người ở đầu dây nhắn tin lại cho biết: “DuoVital dùng điều trị thoái hóa khớp, liệu trình thường dùng 2 chai trong một tháng. Giá một hộp 2 chai 5,3 triệu đồng”.

Luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, quảng cáo TPCN, bán thuốc với cam kết chữa khỏi hoàn toàn, điều trị tận gốc bệnh mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo, là vi phạm pháp luật.

Theo khoản 1, Điều 49, Nghị định 38/2021/NĐ-CP, tổ chức có hành vi “quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định” sẽ bị phạt 20 - 25 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bồi thường tương ứng thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì có thể bị phạt từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối...

Theo Đời sống
back to top