Sống chung với viêm mũi dị ứng?

(khoahocdoisong.vn) - Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra vào một mùa nhất định, nhưng cũng có người bị bệnh quanh năm.

Hỏi: Hai năm nay tự nhiên tôi bị ngứa mũi, hắt hơi hàng tràng , mỗi lần hắt hơi là nước mắt, nước mũi chảy ra giàn giụa. Tôi đi khám và bác sĩ nói bệnh rất dai dẳng, khó chữa, gần như phải chung sống nếu các tác nhân viêm vẫn diễn ra. Xin hỏi, làm thế nào để tránh được các tác nhân gây viêm?

Nguyễn Trần Tuấn (Nam Định)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TƯ cho biết, viêm mũi dị ứng là tình trạng dị ứng mũi, thường do các chất gây dị ứng (dị nguyên) như phấn hoa từ cây, cỏ và cỏ dại, mạt bụi, bào tử nấm mốc và lông vật nuôi gây nên. Một số người có hệ miễn dịch nhạy cảm cũng dễ mắc bệnh. Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra vào một mùa nhất định, nhưng cũng có người bị bệnh quanh năm. Mức độ nặng của viêm mũi dị ứng có thể thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào lượng phấn hoa và các yếu tố khác. Khi một người hình thành mẫn cảm dị ứng trong bệnh viêm mũi dị ứng, thì bệnh sẽ diễn ra suốt đời.

Viêm mũi dị ứng khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, khó ngủ kèm theo sốt nhẹ; gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc. Để điều trị, người bệnh thường được bác sĩ kê cho thuốc uống, thuốc xịt, tuy nhiên, để dự phòng điều trị có thể dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, họng giúp thông thoáng và giảm viêm, giảm hắt hơi. Mỗi ngày rửa mũi, xúc họng 2 lần, vài ngày sẽ thấy hiệu quả đáng kể, tình trạng nghẹt mũi, ngứa ngáy hay sưng viêm sẽ suy giảm rõ rệt. Nếu hắt hơi nhiều, chảy mũi liên tục, có thể nhai trực tiếp 1 lát gừng hoặc ngâm vào nước ấm uống, các hoạt chất bay hơi của gừng có tác dụng kháng histamin hiệu quả, giảm viêm, giảm ngứa mũi.

Theo Đời sống
back to top