Sống cho chính mình

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Hưng (76 tuổi, 36 Hàng Bông, Hà Nội) là căn nhà điển hình trong phố cổ, lối đi tối và sâu hút, không thể dắt xe vào được. Có đoạn phải đi qua cả nơi nhà người khác dùng làm bếp. Hai ông bà sống trong căn nhà ba tầng nhỏ tí xíu như chuồng chim ấy.

Ông Nguyễn Văn Hưng

Quan trọng là được yêu quý

Nhiều người cũng hỏi ông sao không bán đi mua một căn nhà rộng rãi ở ngoại thành, có vườn tược, cây cối mà vui thú tuổi già. Nhà rộng rãi thì ai chả muốn, nhưng cái quan trọng hơn là nó phải hợp với mình. Hơn nữa, người già không muốn thay đổi, nên sống ở đây lâu rồi giờ ông bà không muốn chuyển đi đâu cả.

Ông bảo, sống là phải sống cho chính mình chứ đừng sống ảo. Cách nghĩ của người trẻ ngày nay nhiều khi lạ lắm.

Tại sao cứ phải cố sống cố chết vay mượn, xoay sở, tìm mọi cách kiếm tiền để mua cho được cái xe ô tô sang trọng ấy, cái nhà to đẹp ấy cho bằng người nọ, người kia. Mà không hiểu rằng, anh mua được cái xe ấy thì lại có loại xe khác sang trọng hơn, đắt tiền hơn, người khác lại có cái nhà to hơn, đẹp hơn. Suốt đời cứ phải chạy theo những thứ như thế thì mệt quá.

Với ông, điều quan trọng nhất trên đời là được mọi người yêu mến. Bởi ai rồi cũng sẽ phải chết. Dù có giàu nứt đố đổ vách hay chỉ là anh hành khất thì rồi cũng đều phải chết, mà đã chết thì ai cũng như ai. Chỉ khác nhau ở chỗ sự tồn tại của ta để lại cái gì.

Đừng để khi ta chết, người đời chỉ nhớ đến ta như một người rất giàu có, có tới mấy chục căn nhà. Mà hãy để mọi người nhớ đến ta đơn giản là một người tốt.

Ông Hưng cứ hay suy nghĩ về cách sống, cách tồn tại trên cõi đời này giống một triết gia như thế. Từ ngày tham gia vào Facebook, ông lại được chia sẻ những suy nghĩ, những điều mình tâm đắc với bạn bè. Điều đó không chỉ khiến ông vui mà còn giúp ông còn học hỏi được rất nhiều điều.

Không làm điều gì xấu thì không sợ

Dù cuộc sống với ông còn nhiều khó khăn, còn đầy điều không được như ý. Chẳng hạn như những khi phải vào viện mà phải nộp liền một lúc mấy chục triệu là cũng chẳng biết xoay xở vào đâu. Hay chỗ nọ chỗ kia thấy những chuyện không vừa mắt, thấy những người giàu lên một cách nhanh chóng và đáng ngờ… nhưng lại nghĩ đấy là cuộc sống.

Phải biết chấp nhận, đừng vì thế mà cay nghiệt hay ghen ghét với người khác. Bởi mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống vì vậy không được phép sống khác với suy nghĩ của mình.

Từ khi nghỉ hưu, làm tổ trưởng dân phố, chủ tịch hội người cao tuổi, hội chữ thập đỏ của phường và đặc biệt là làm công tác hòa giải, ông học đã được rất nhiều điều và cũng giúp được nhiều người. Ví dụ như khi người ta chửi nhau, là lúc tức giận nhất thời, ai cũng cố tìm những lời cay nghiệt nhất để nói ra cho hả giận. Thì mình đừng có chấp. Mọi chuyện thành ra to tát hay nhỏ bé là do cách nhìn nhận của mỗi người.

Cuộc đời là thế, muôn hình vạn trạng, phải biết hài lòng với những gì mình đang có. Và được khuyên giải, được chia sẻ cũng là một niềm vui. Ông luôn nghĩ, không phải người giàu mới làm từ thiện, mà mình dù có ít, mình vẫn chia sẻ với mọi người, đó mới là điều đáng quý.

Ngày rằm, mùng một nào ông cũng vẫn giữ thói quen lên chùa. Không phải cầu xin gì, mà chỉ để tĩnh tâm lại, để cảm ơn Trời Phật đã giữ cho mình, cho gia đình mình bình an.

Ông kể, khi ông chừng 5-6 tuổi, ngày rằm, mùng một bà nội thường đưa cháu lên chùa. Thấy ông Thiện, ông Ác thì ông sợ lắm, không dám vào, nhưng bà bảo: Có bà rồi không sợ. Với lại cháu không làm điều gì xấu thì không sợ. Những lời dạy đó của bà theo ông suốt cuộc đời, để đến giờ vẫn tự hào rằng, mình không phải sợ điều gì vì suốt đời mình không làm điều gì xấu.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top