Số phận năm nàng công chúa Việt Nam, kỳ 2: Con chúa Sãi thành vương hậu Chân Lạp

i phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời tạo cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam; chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái là Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.

Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa thứ 2 trong số 9 vị chúa Nguyễn. Ông thường được gọi là chúa Sãi hay Sãi vương. Ông có 11 công tử và 5 công nữ. Ngọc Vạn là con gái thứ hai. Nàng cũng là cháu gọi Mạc Thái tông Mạc Đăng Doanh là cụ ngoại.

Có thể thấy hầu như trong việc giải quyết các sự biến cung đình ở Chân Lạp, từ khi Ngọc Vạn về làm dâu trong hoàng tộc cho đến lúc qua đời, bà luôn đóng vai trò quan trọng. Và kết quả mang lại thường có lợi cho cả hai phía là hoàng gia Chân Lạp và Đại Việt – Đàng Trong”.

Nhà nghiên cứu Hồ Nam

Gả con mở đất

Công chúa Ngọc Vạn, tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, hiện vẫn không rõ năm sinh, năm mất. Các nhà sử học phán đoán, có thể nàng sinh khoảng năm 1605 và mất sau năm 1658.

Dấu ấn triện thư của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Nam, cho biết từng có thời gian các nhà khoa học tranh cãi việc gọi Ngọc Vạn là công chúa hay công nữ? Sở dĩ sách sử gọi nàng là công nữ vì nàng chỉ là con chúa Nguyễn chứ không phải con vua vương triều chính thống.

Ông Hồ Nam cho biết, có khá ít tư liệu ghi chép về Ngọc Vạn. Đặc biệt, hầu hết các sách chính sử không miêu tả gì về dung nhan của nàng. Tuy nhiên, trong dân gian lại miêu tả nàng đẹp như một đóa mẫu đơn. Thậm chí, vẻ đẹp của Ngọc Vạn còn có thể “câu hồn đoạt phách” người khác.

Thời kỳ chúa Sãi nắm quyền, lực lượng Đàng Trong được xem là lớn mạnh. Các nước như Xiêm La, Chiêm Thành và cả Chân Lạp đều có ý muốn bang giao khăng khít nên thường xuyên đem lễ vật cống tặng.

“Các con trai chúa Sãi buộc phải thông thuộc binh thư, con gái được dạy công dung ngôn hạnh và ngôn ngữ của các nước láng giềng. Chúa Sãi còn dạy con cái phải sẵn sàng hi sinh thân mình vì đất nước”, ông Hồ Nam cho hay.

Thời kỳ này, đất nước Chân Lạp bị nước Xiêm kìm kẹp. Vua Chân Lạp muốn liên thủ mượn sức triều đình Thuận Hóa – nơi chúa Sãi nắm quyền để trấn áp nước Xiêm.

Vua Chey của Chân Lạp nhiều lần cho sứ giả sang Thuận Hóa dâng tiến châu báu. Nhân đó, ngỏ ý muốn cầu hôn một công nữ. Khi công nữ Ngọc Khoa (em gái của Ngọc Vạn) được gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê, chúa Sãi đã toan tính mở rộng bờ cõi về phía Chân Lạp.

Khi vua Chey mở lời, chúa Sãi xem đó là cơ hội nghìn năm có một, nên dù Ngọc Vạn đã được hứa hôn cùng với chàng học trò Trần Đình Huy. Nhưng vì gánh nặng giang sơn, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã phải chia loan rẽ thúy, bất chấp mang tiếng thất tín.

Người ngọc ở nhà vàng

Nhà nghiên cứu Hồ Nam cho biết, hôn nhân giữa quốc vương Chey với công nữ Ngọc Vạn đã diễn ra vào năm 1620. Chúa Sãi vì yêu thương con gái và phần nào áy náy khi nỡ ép duyên nên cho tổ chức rất linh đình.

Một góc hoàng cung vua Chân Lạp tại Phnôm Pênh (Campuchia).

Theo đó đoàn người bao gồm xe ngựa, binh lính, tì nữ, nha hoàn lên tới 800 người. Đặc biệt, trong đoàn đưa dâu có cả Trần Đình Huy. Về sau ông này cũng ra làm quan dưới triều vua Chân Lạp và có nhiều cống hiến có lợi cho chúa Nguyễn.

“Đoàn đưa dâu của chú Sãi có rất nhiều người là thợ thủ công giỏi, học trò. Mục đích của chuyến đi ngoài việc cưới hỏi, còn ngầm cài người Việt vào những công việc quan trọng và tham gia triều chính của Chân Lạp”, ông Hồ Nam nhận định.

Trong “Việt sử xứ Đàng Trong” có viết: “…chúa Hy Tông có mưu đồ xa xôi, năm 1620, đã gả con gái cho vua Chân Lạp”.

Vua Chey lúc còn là hoàng tử đã cưới vợ là công chúa người Lào xinh đẹp tên là Pha Luông. Khi lên ngôi vua, Chey đã lập Pha Luông làm chính cung hoàng hậu. Pha Luông sinh được một hoàng tử nên càng được nhà vua yêu chiều.

Khi đoàn đưa dâu của công nữ Ngọc Vạn đến đất Chân Lạp, theo lệ thường nhà vua và hoàng hậu đều ra đón. Khi tấm mạng che được kéo xuống, sắc đẹp “diễm đảo quần phương” của Ngọc Vạn đã khiến vua Chey sửng sốt.

Vua Chey từng nói “người ngọc phải ở nhà vàng”, ông đã huy động rất nhiều tiền của để xây tân cung cho ái phi của mình. Không lâu sau đó, Ngọc Vạn được phong làm Tả cung hoàng hậu, ngang hàng với Hữu cung hoàng hậu là công chúa người Lào. Chính vì thế, công nữ cũng còn được gọi là vương hậu.

Vua Chey dần nới lỏng cho người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô Oudong. Vùng đất Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai) cũng dần có thêm nhiều người Việt đến khai khẩn.

Đây chính là một trong những vựa lúa thời bấy giờ. Có thể nói, chính những di dân này đã đóng góp không nhỏ trong việc cung cấp lương thực cho triều Nguyễn.

Năm 1623, Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên đã cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm tới kinh đô Oudong. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey cho lập một đồn thuế ở Prei Kor, chính là thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và lập một dinh điền khác ở Mô Xoài, gần Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đáp lại vua Chey, hoàng hậu Ngọc Vạn cũng đã đưa ra những sách lược sáng suốt. Không những giúp nhà vua phân ưu về công vụ triều chính, hậu cung đi vào khuôn nếp mà còn khiến đời sống người dân Chân Lạp thêm ấm no.

Thái hậu qua nhiều đời vua

Sau 8 năm kết hôn với Ngọc Vạn, năm 1628 vua Chey băng hà. Việc vua Chey qua đời đã khiến Chân Lạp rơi vào bạo loạn tranh đoạt ngôi báu.

Núi Chứa Chan (Đồng Nai), nơi Ngọc Vạn cho xây chùa Gia Lào.

“Hoàng hậu Ngọc Vạn và vua Chey có với nhau 2 hoàng tử. Dù ban đầu, con của hoàng hậu người Lào đã được lập làm thái tử nhưng không hiểu vì lý do gì, về sau khi vua Chey băng hà, con trai cả của Ngọc Vạn là Chau Ponhea To được kế ngôi. Ngọc Vạn được tấn phong làm Thái hậu”, nhà nghiên cứu Hồ Nam cho biết.

Người con trai cả của Ngọc Vạn lúc này mới 8 tuổi lên ngôi, song ở ngôi vua 2 năm thì qua đời. Kế đến là người con thứ hai lên ngôi cũng chỉ được gần 10 năm thì băng hà vì bạo bệnh. Thái hậu Ngọc Vạn trở nên cô quạnh.

Người chú Preáh Outey liền đưa con mình lên ngôi, xưng là quốc vương Ang Non I. Lúc này Thái hậu Ngọc Vạn đã cùng với vua Ang Non cho người khai khẩn thêm đất đai và lập nhiều khu buôn bán phía TP. HCM ngày nay.

Tuy nhiên ngôi báu lại thêm một lần vấy máu khi Chau Ponhea Chan (con của vua Chey với hoàng hậu Lào) dấy binh. Chau giết Vua Ang và Preáh Outey rồi lên làm vua.

Năm 1658, vì quá bất bình với vua Chau, hai người con thứ của người chú Preáh Outey dấy binh tạo phản nhưng thất bại. Hai người này tìm đến nương náu với bà Ngọc Vạn.

Chùa Gia Lào, tức Bửu Quang tự.

Mất chồng, mất con nhưng Ngọc Vạn vẫn ở lại hoàng cung với mỹ danh Thái hậu. Vì không thuộc phe cánh nào nên Ngọc Vạn không bị hại đến tính mạng. Lúc này, bà khuyên hai người con của Preáh Outey tìm đến chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn nhận lời giúp và sai Phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Phước Yến dẫn 3.000 quân sang Chân Lạp bắt giữ vua Chau áp giải về triều. Chúa Nguyễn phong cho một trong hai người đã nương náu mình từ trước làm vua Chân Lạp. Từ đó, lưu dân Việt đến Gia Định, Mỗi Xuy, Biên Hòa ngày càng đông.

Về phía Ngọc Vạn, bà từ bỏ cung cấm nguy nga lui về Bà Rịa, cho lập chùa Gia Lào, núi Chứa Chan, Đồng Nai rồi ẩn tu cho đến hết đời.

Cuộc hôn nhân này mặc dầu không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng thì đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, nó đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía”.

PGS.TS. Trần Thuận, Trường Đại học KHXH&NV – TP. HCM

 (còn nữa)

Phong Điền – Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top