Sợ Covid-19, đừng coi thường bệnh mùa đông xuân

GS.TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành vi sinh lâm sàng Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mùa đông xuân rất lớn khi chúng ta quá chú trọng và lo sợ bệnh Covid-19 mà bỏ qua phòng các bệnh nguy hiểm khác.

Nhiều bệnh nguy hiểm

Theo GS.TSKH Phùng Đắc Cam, việc mở rộng giao thương khiến cho lượng lớn người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch Covid-19 và thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm tăng nguy cơ gây bệnh, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh thường gặp trong giai đoạn này là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn... Vì vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh các phương pháp phòng tránh bệnh mùa đông xuân trước khi có nguy cơ trở thành đại dịch.

GS.TSKH Phùng Đắc Cam cảnh báo, các dịch bệnh này đều có biến chứng và tử vong cao. Chúng ta vẫn chưa quên dịch bệnh bạch hầu mới xảy ra năm 2020 ở Tây Nguyên với 191 người mắc bệnh và 5 người tử vong.

Đây là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan cơ thể. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%.

Đó là chưa kể đến dịch cúm, dịch tiêu chảy do Rota virus, dịch ho gà, viêm não... năm nào cũng chiếm số lượng lớn các giường bệnh tại các viện nhi, khoa nhi trên cả nước, với nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao.

benh-mua-dong-xuan.jpg
Sợ Covid-19, đừng coi thường bệnh mùa đông xuân

Không bỏ qua văcxin và thời gian vàng chữa bệnh mùa đông xuân

GS.TSKH Phùng Đắc Cam cho biết, trừ bệnh do virus hợp bào và sốt xuất huyết, hầu hết các dịch bệnh mùa đông xuân đều có văcxin phòng bệnh. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây do lo sợ dịch Covid-19 nên nhiều gia đình bỏ qua hoặc không đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Đây sẽ là mối nguy rất lớn để “dịch chồng dịch” trong mùa đông xuân năm nay.

Văcxin là biện pháp hữu hiện nhất để phòng chống dịch. Vì vậy, các bà mẹ cần lưu ý đưa con tiêm chủng đầy đủ các văcxin phòng bệnh theo đúng lịch.

Bên cạnh đó, với đặc điểm khí hậu mùa đông xuân, chúng ta cần chú ý đến tình trạng vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho con mình.

BSCKI Trịnh Thị Phương, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cảnh báo, thời gian qua bệnh viện liên tục tiếp nhận những bệnh nhân đến bệnh viện khi tình trạng đã trở nặng. Do tâm lý quá lo sợ dịch bệnh Covid-19 mà trẻ đã đến viện muộn, bỏ qua “thời điểm vàng” để cứu chữa.

Có trẻ khởi phát là ho, khò khè, tưởng rằng biểu hiện đó là chuyện bình thường trong thời tiết mùa này. Tuy nhiên, sau mấy ngày tình trạng trẻ nặng lên dẫn đến suy hô hấp nặng. Hoặc có trẻ đến viện muộn khi đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn, hô hấp chỉ vì biểu hiện trướng bụng, bú kém, tiêu chảy... không đưa đi khám kịp thời.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, ai cũng đều lo lắng, ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao. Nhưng như thế không có nghĩa là bệnh nhân không cần đi khám, tự mua thuốc điều trị, dùng lại đơn thuốc cũ, nhất là đối tượng trẻ em, diễn biến bệnh rất nhanh, dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Khi bị ốm, cần chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Và nên chủ động đi khám chữa kịp thời, đừng vì lo lắng dịch bệnh Covid-19 mà bỏ qua “thời điểm vàng” chẩn đoán xác định bệnh.

Cách phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân hiệu quả

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh:

1. Tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có văcxin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…).

2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

3. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…;     nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.

4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
Dậy người dân tự chữa bệnh, bác sĩ được tấn phong Tiến sĩ danh dự AIU

Bác sĩ Dư Quang Châu được tấn phong Tiến sĩ danh dự AIU

Với nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đưa các phương pháp chữa bệnh thiết thực cho người dân trong nước và quốc tế, BS Dư Quang Châu được Trường Đại học Quốc tế Mỹ tấn phong Tiến sĩ.
back to top