Phát hiện ngay sau 3-4 giờ nhiễm
Ngày 30/1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã tổ chức phiên họp khẩn cùng các nhà khoa học với mong muốn tìm được những giải pháp hữu hiệu, những giải pháp mang tính dài hơi về các bệnh dịch do virus cúm gây ra. Bộ KH&CN đã mời các chuyên gia y tế ở các cơ sở y tế như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Viện Pasteur TPHCM, Công ty văcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH)… đến làm việc. Tại đây, PGS. TS Phan Trọng Lân đã trình bày cách thức ông và cộng sự phát hiện ra chủng 2019-nCoV trên bệnh nhân Trung Quốc, trong đó nêu những cố gắng cập nhật thông tin hướng dẫn từ WHO như quy trình phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược thời gian thực để có được kết quả xét nghiệm đúng và được WHO tin cậy.
Việc có được những thông tin dịch bệnh với độ chính xác cao nhằm hiểu được bản chất dịch tễ học của dịch bệnh do virus này gây ra. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể thực hiện được một công việc thiết thực: Sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh 2019-nCoV để có thể chủ động xét nghiệm sàng lọc người lây nhiễm virus từ các trường hợp bị nghi ngờ và cách ly sớm, tránh lây lan bệnh rộng hơn. Điều này lại cần thiết hơn khi có nhiều trường hợp bị nhiễm 2019-nCoV mà không biểu lộ triệu chứng rõ rệt và thời gian ủ bệnh của bệnh lại kéo dài tới 14 ngày (trong khi thời gian ủ bệnh của SARS-CoV chỉ từ 4 đến 6 ngày.
Một trong những khó khăn hiện nay mà Việt Nam phải đối mặt là thiếu hụt về số bộ kit bởi số lượng bộ kit do CDC hoặc WHO cấp không nhiều. Trong tình huống này, việc chủ động phát triển và sản xuất được các bộ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm với độ chuẩn xác cao, thời gian ngắn cần được tiến hành ngay. Đây không phải là việc quá khó của Việt Nam bởi năm 2015, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã phát triển thành công bộ kit chẩn đoán, phát hiện virus MERS-CoV với độ chính xác gần như tuyệt đối chỉ sau 3, 4 giờ. Hiện các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu làm sao để phát hiện virus chỉ sau 3-4 giờ chứ không phải là sau 48 tiếng như hiện nay.
Tạo cơ chế đặc biệt để có bộ kit nhanh nhất
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, để chạy đua với thời gian trong sản xuất các bộ kit như vậy, cần có một cơ chế đặc biệt cho phép chỉ định đơn vị thực hiện nhiệm vụ mà không cần phải qua các quy trình, thủ tục như đối với những nhiệm vụ KH&CN khác do Bộ KH&CN quản lý. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu phát triển hoặc tiếp nhận công nghệ sản xuất văcxin phòng bệnh do 2019-nCoV gây ra. Đây cũng là thách thức với thế giới bởi trong thời điểm hiện nay, chưa có loại thuốc nào chứng tỏ được hiệu quả điều trị bệnh SARS hoặc các lây nhiễm do coronavirus gây ra ở người, và chưa có loại văcxin nào có thể ngăn chặn được các nhiễm trùng hô hấp được cấp phép.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc VABIOTECH cho biết, Công ty đã sớm chủ động liên hệ với Trung tâm Vi sinh vật học Max Planck (Đại học Bristol Anh) - đối tác của công ty trong dự án triển khai sản xuất các vaccine từ công nghệ MultiBac, một công nghệ sản xuất tái tổ hợp hiệu năng cao, đặc biệt thích hợp cho sản xuất vaccine mới với số lượng lớn và chi phí thấp – và đề nghị họ hỗ trợ công việc sản xuất văcxin 2019-nCoV khi có công nghệ.
PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, sự tiến hóa một cách liên tục của virus cúm buộc chúng ta phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về chúng. Có thể thấy điều đó ở virus cúm A, một loại virus gây cúm trên nhiều động vật và đôi khi gây bệnh ở người. Trong quá trình lây nhiễm, hai virus có thể cùng xâm nhiễm vào một tế bào vật chủ, trao đổi và tích hợp bộ gene, tạo ra chủng virus cúm mới có khả năng tránh được miễn dịch của con người, dù trước đó họ đã có được miễn dịch với chủng lưu hành trước đó hoặc miễn dịch tạo ra từ văcxin.
Với Việt Nam, con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng là cách làm duy nhất để có thể chủ động sản xuất những bộ kit chẩn đoán nhanh và các loại văcxin phòng ngừa cúm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong tương lai. Đó cũng là bài học của Cuba trong phát triển và sản xuất CimaVax - văcxin ung thư phổi không tế bào nhỏ - vào năm 2016.
Hà Bình