Sáp nhập hay mở rộng diện tích quận Hoàn Kiếm?

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thuộc diện sáp nhập do không đảm bảo tiêu chí về diện tích; Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể sáp nhập một cách cơ học, mà cần tính đến tính đặc thù về văn hóa, lịch sử.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngày 31/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hoàn Kiếm là quận duy nhất của thành phố phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng, quận Hoàn Kiếm có những yếu tố đặc thù thuộc các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính.

Quận Hoàn Kiếm có “biến mất”?

Là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025, quận Hoàn Kiếm lẽ nào“biến mất”?

Quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập do chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết số 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết số 27 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211.

Tuy nhiên, việc sáp nhập này khó có thể thực hiện. Thứ nhất, do yếu tố đặc thù về lịch sử và truyền thống văn hóa. Hoàn Kiếm là quận lâu đời, mang đậm dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội.

Tiêu chí do con người nghĩ ra, do đó phải tính đến những đặc thù. Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ về xem xét kỹ lưỡng tính đặc thù ở một số nơi, một số vùng như địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc…

Cụ thể, Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính nêu rõ: “Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp: Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng cũng nêu rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cùng việc căn cứ theo những tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số… cũng phải chú trọng cân nhắc kỹ yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư.

Trường hợp quận Hoàn Kiếm mới chỉ rà soát, đánh giá trên tiêu chí quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chứ chưa tính đến yếu tố đặc thù như nêu ở trên. Thực tế đến nay, quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 cũng chỉ là số liệu rà soát, chứ chưa phải phương án sắp xếp.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam


TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

Có mở rộng diện tích quận Hoàn Kiếm?

Hoàn Kiếm là một trong 4 quận đầu tiên của Hà Nội, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô. Chính quyền cân nhắc đặc thù này và nên chăng sáp nhập một phần diện tích của những phường lân cận vào quận Hoàn Kiếm?

Theo tôi, nếu tính đến phương án sáp nhập một phần diện tích của các phường lân cận vào quận Hoàn Kiếm, cũng cần xem xét lại. Bởi vì như đã nói, Hoàn Kiếm là quận đặc thù, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của TP Hà Nội, nằm trong lõi nội đô lịch sử, khu vực xung quanh cũng đều gắn với truyền thống của nó. Do đó, sáp nhập hay mở rộng quận Hoàn Kiếm không đơn giản là cơ học.

Quận nhỏ, dân số lớn nên việc sáp nhập dự báo gây nhiều phiền toái, hệ lụy tiêu cực trong thủ tục hành chính. Trường hợp Hà Nội buộc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, phải tính tới tình trạng này?

Nếu trường hợp buộc phải sáp nhập quận Hoàn Kiếm, dù theo tôi rất ít khả năng xảy ra, thì phải cân nhắc nhiều. Bởi dân số là vấn đề rất quan trọng, diện tích có hạn, hệ thống giao thông không thể điều chỉnh lại được nữa.

Dân số đang cố gắng giảm để giảm áp lực nội thành, giảm áp lực giao thông, nhất là trong giai đoạn tới biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống ở khu vực được đánh giá thân thiện với mọi người. Do đó, nếu buộc phải sáp nhập cần phải vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ổn định đời sống của nhân dân.

Quang cảnh hồ Gươm

Quang cảnh hồ Gươm

Có nên lấy ý kiến toàn dân Thủ đô về việc sáp nhập hay xin có chế đặc thù linh hoạt “bảo toàn” quận Hoàn Kiếm?

Chắc chắn phải lấy ý kiến. Khi chúng ta đưa ra câu chuyện sáp nhập quận Hoàn Kiếm thì phải lấy ý kiến nhân dân. Vai trò của nhân dân rất quan trọng, ngay Hiến Pháp đã xác định rồi, chưa kể nói đến hệ thống chính trị cũng phải có ý kiến. Quy định của Nhà nước cũng yêu cầu phải lấy ý kiến nhân dân.

Đã đến lúc Hà Nội quy hoạch quận Hoàn Kiếm giống quận 1 TP HCM, địa bàn sầm uất nhất, phát huy nội lực tinh hoa nhất Thủ đô nhằm thu hút, phát triển du lịch?

Hai việc này hoàn toàn khác nhau. Nếu quận Ba Đình được ví như Trung tâm hành chính, chính trị của quốc gia, thì Hoàn Kiếm là quận rất đặc thù, trung tâm hành chính, chính trị của Thủ đô từ muôn đời nay. Đây là nơi ghi lại những dấu ấn từ các thời bắt đầu Thăng Long (khu vực phố cổ). Do đó, không thể biến quận Hoàn Kiếm thành quận 1, TP HCM, bởi mỗi nơi có yếu tố khác nhau, không thể quận nào bắt chước quận nào được.

Xin cảm ơn TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm về cuộc trao đổi trên!

Danh thắng gắn liền quận Hoàn Kiếm

Hoàn Kiếm là quận trung tâm của thủ đô, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 với 18 phường, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Điển hình là quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, nhà Thờ Lớn, khu phố cổ…

Tiêu chí sắp xếp địa giới hành chính được nêu tại Nghị quyết 1211/2016 và Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, đến năm 2025, các tỉnh, thành cần hoàn thành sắp xếp huyện, xã có đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

GDP quận Hoàn Kiếm đóng góp cho Hà Nội

Năm 2020, số thu ngân sách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là 10.526 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này đạt 14.755 tỷ đồng, tăng 44% so với năm đầu nhiệm kỳ, đạt 131% dự toán, bằng 105,2% so với năm 2021.

Theo Đời sống
back to top