“Cộc lửa” có đặc điểm mắt đỏ, lông đỏ, móng đỏ và dĩ nhiên là không có đuôi hoặc đuôi từ 10 – 15cm.
Cứ ngỡ chốn Cao Nguyên Đá Hà Giang là cái nôi của “cộc lửa” thì sẽ việc săn lùng loài “thần khuyển” này sẽ dễ dàng. Nhưng không hẳn vậy. Vượt qua những cung đường trúc trắc cả trăm km nhưng chúng tôi chỉ bắt gặp vài cá thể thuộc loại quý hiếm này.
Muốn tìm “cộc lửa” có 3 cách
Vượt qua cung đường gần 500km từ Hà Nội đến Đồng Văn, Hà Giang truy tìm “cộc lửa”, nhưng theo một số lái chó vùng biên viễn thì bất kỳ khách nào đặt chân đến Mèo Vạc, Đồng Văn mới chỉ hoàn thành một nửa chặng đường săn “cộc lửa”. Muốn tìm thấy loài “thần khuyển” này người chơi có 3 cách. Cách thứ nhất là “nằm vùng” ở Cao Nguyên Đá hàng tháng trời để đến những bản xa xôi nằm vắt vẻo trên đỉnh núi đá cao “chín tầng mây” để săn cộc lửa. Cách thứ hai là có thể nhằm vào ngày chợ phiên (thường là thứ 7 và chủ nhật hàng tuần). Lúc này dân bản sẽ đem chó xuống chợ bán. Nếu may mắn thì người chơi có thể mua được con “cộc lửa”. Và cách thứ 3 đó là người chơi có thể tìm đến các lái chó khắp cả nước chứ không riêng gì Hà Giang để lần tìm tung tích “thần khuyển”.
Chị Lê Thị Lan, một người dân ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chẹp miệng: “Săn “cộc lửa” vất vả lắm và đôi khi phải phụ thuộc vào vận may. Giống như mua vé số vậy. Hiện ở khu vực xung quanh thị trấn rất ít “cộc lửa”, nếu không muốn nói là đã hết. Muốn tìm loài chó đặc biệt này chúng tôi phải đi đến những xã xa xôi gần biên giới với Trung Quốc. Khoảng cách quãng đường khoảng 100km. Thậm chí, lái chó còn “nằm vùng” trong bản cả tuần trời, đến từng gia đình một để mồi chài thu gom “cộc lửa”. Nhưng số lượng mua được cũng không nhiều mà chủ yếu là cộc thường”.
Giống “cộc lửa” đang dần vắng bóng trên Cao Nguyên Đá.
Chị Lan miêu tả cảnh săn lùng “cộc lửa” trong những buổi chợ phiên khiến không chỉ dân lái chó cười ra nước mắt: “Lái chó ngồi tản mát trong các quán nước. Hễ thấy người dắt chó cộc đi vào chợ là cánh lái chó từ các ngả lao ra “xem hàng” và thẩm định. Buổi bán chó như là đấu giá vậy. Người nào may mắn thì mua được chó như ý, không thì phải đợi phiên chợ sau. Có người ăn chực nằm chờ ở các phiên chợ hàng tháng trời mà chẳng thấy “cộc lửa” xuất hiện, đành ngậm ngùi về phố, chờ đợi lần sau”.
Tại sao “cộc lửa” lại hiếm?
Để tìm hiểu thông tin về loài thần khuyển trên Cao Nguyên Đá, PV Khoa học & Đời sống tìm gặp ông Nông Quang Đạo, Trưởng phòng thú y huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Nghe nói đến “cộc lửa”, ông Đạo buông lời tiếc nuối: “Tôi cũng tìm loài chó này mãi mà không được. Mấy chục năm trời làm thú y ở huyện, đã nhiều lần tôi lặn lội đến các bản làng đi tiêm phòng chó dại cho bà con trên núi. Nhưng chưa có duyên gặp được loài “thần khuyển” huyền thoại này. Không chỉ các anh hỏi mà mấy người bạn của tôi ở Hải Phòng cũng gọi điện liên tục chỉ để truy tìm loài “cộc lửa” quý hiếm”.
Một chú “cộc lửa” được coi là đủ tiêu chuẩn phải có rất nhiều yếu tố về ngoại hình và tính cách.
Anh Giàng Seo Phìn, ở thị trấn Mèo Vạc cho biết: Chó Mông cộc được chia làm một số loại là cộc tịt, cộc đuôi thỏ và cộc lửng. Cọc tịt là loại chó không có đuôi, cộc đuôi thỏ là đuôi nhú ra một chỏm lông như quả quất, còn cộc lửng có đuôi dài khoảng 10 – 15cm. Nhưng dựa vào màu lông thì người ta cũng có thể chia chó Mông cộc ra một số loại như: Cộc vện, cộc đen, cộc vàng, cộc trắng và “cộc lửa”. Trong đó, “cộc lửa” thuộc loại hiếm và được săn lùng nhiều nhất.
Loài Mông cộc được yêu quý do đức tính trung thành, sự mạnh mẽ và sức chịu đựng gian khó thì không loài chó nào sánh bằng. Người dân chốn cao nguyên thường lấy hình ảnh mỗi gia đình chỉ cần nuôi một chú Mông cộc ở nhà thì khỏi lo mất trộm ra để ví với đặc tính quan trọng của “thần khuyển”.
Anh Phìn kể: Nếu không có chủ nhà thì người lạ rất khó đột nhập vào. Nếu cố tình thì sẽ kẻ đột nhập có thể sẽ phải lãnh những đòn cắn ngập răng và mãnh liệt của loài chó chốn cao nguyên. Nếu chủ về, chỉ cần quát một tiếng thì lập tức chúng chỉ nằm nhìn và không có hành động đe dọa khách.
Nói như vậy không có nghĩa là ví chó Mông cộc với đặc tính chiến đấu. Bản thân chó Mông cộc cũng không phải loài chó chiến đấu. Nhưng sự trung thành, chịu khổ và thông minh chính là điều khiến nhiều người say đắm loài “thần khuyển”.
Nhưng “cộc lửa” đã vắng dần trên vùng Cao Nguyên Đá. Giàng Seo Phìn thở dài khi kể về độ hiếm của loài chó này: Cách đây chừng 7 – 10 năm về trước thì cộc lửa còn nhiều. Nhưng hồi đó, chẳng ai nghĩ sẽ có một ngày cộc lửa lại vắng bóng ở chính cái nôi mà nó sinh ra. Thành thử, nhiều người nào bán, nào thịt nào cho… “cộc lửa” như con gà, con vịt. Nhưng đến nay thì tìm đỏ mắt mới thấy một vài con “cộc lửa”. Biết là tiếc nhưng không còn cách nào để giữ lại giống khuyển quý này.
Anh Giàng A Ban, người dân huyện Đồng Văn, Hà Giang thì chẹp miệng: Loài chó Mông cộc đỏ hay còn gọi là cộc đỏ vẫn còn, nhưng không nhiều con thuần chủng nữa. Mông cộc bị lai với các giống chó khác trong nhiều năm trời nên dẫn đến việc thoái hóa giống. Nhiều con sinh ra là có màu lông đỏ, mắt đỏ, tai dựng, đầu to, thân trường… nhưng đuôi dài như chó dưới xuôi. Nhiều gia đình nuôi 3 – 4 con “cộc lửa” nhằm nhân giống, nhưng kết quả là khi sinh ra chẳng được con “cộc lửa” nào. Bây giờ tiếc thì đã muộn.
Một chú “cộc lửa” quý hiếm được người dân nuôi tại thị trấn Đồng Văn, Hà Giang.
Ông Nông Quang Đạo, Trưởng phòng thú y huyện Mèo Vạc cho biết: Ở huyện Mèo Vạc, giống chó Mông cộc nổi tiếng nhất phải là hai xã Xín Cái và Thượng Phùng. Có lẽ do điều kiện tự nhiên thích hợp nên giống chó ở đây thường đẹp hơn những nơi khác. Tuy nhiên, đến nay, địa phương chưa có kế hoạch bảo tồn giống chó “cộc lửa” quý hiếm này. Việc sưu tầm loài thần khuyển mới chỉ dừng lại ở những người chơi Mông cộc.
Hà văn