Củ sâm đất có vị giòn ngọt, thanh mát, có thể ăn sống, xào, nấu canh hoặc ngâm rượu. Loại củ này để được rất lâu, bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ bình thường, khi phơi nắng hoặc nấu canh, củ có vị ngọt đậm và dẻo.
Củ sâm đất sau khi gọt vỏ chế biến thành các dạng nước ép trái cây hoặc sấy khô làm thuốc, có nhiều tác dụng với sức khỏe. Phần thân rễ và thân cây thường được chế biến thành các món rau. Phần lá sau khi phơi khô được dùng làm trà pha uống có vị thơm và đắng nhẹ.
Để chữa ngứa, ghẻ lở hoặc mụn nhọt lấy lá và thân cây nấu nước, cho chút muối để nguội tắm. Nếu bị mụn nhọt lấy lá tươi giã, đắp lên chỗ bị nhọt để giảm sưng đau. Người bệnh cao huyết áp lấy hoa sâm đất tươi hoặc khô 12g, sắc với lượng nước vừa phải, uống hằng ngày. Để chữa tiểu đường lấy sâm đất khô 25g hoặc tươi 75g sắc với 1 lít nước uống mỗi ngày. Uống liên tục một tháng sẽ ổn định đường huyết.
Sâm đất rất tốt cho người cao tuổi bị loãng xương. Trong sâm đất có chứa thành phần fructooligosaccharides làm tăng khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể, cung cấp các khoáng chất thiết yếu như magie,canxi, photpho giúp xương chắc khỏe. Những người bị viêm khớp có thể kết hợp sâm đất với một vài vị thuốc trong Đông y để ngâm rượu uống.
Sâm đất chứa prebiotic giúp kích thích sự phát triển của hệ vi sinh trong cơ thể, tăng khả năng hấp thụ tối đa các khoáng chất và vitamin cho hệ tiêu hóa. Để giải nhiệt mùa nắng nóng có thể lấy rễ cây sâm đất 6g, đổ 200ml nước sắc còn 50ml, uống hằng ngày. Với người suy nhược, ra nhiều mồ hôi, đái dầm, phụ nữ khi sinh thiếu sữa lấy 30 – 35g dạng thuốc sắc uống trong ngày.
Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)