S-400 cũng được xuất khẩu ra nước ngoài cho các cường quốc quân sự và gây lên hàng loạt cuộc tranh cãi. Nhà phân tích chiến lược Adam Cabot, trong một bài viết trên trang Real Clear Defense, cho rằng tổ hợp vũ khí phòng không S-400 không đơn thuần chỉ là vũ khí chiến thuật, mà còn là phương tiện chiến lược của Chiến tranh Đa diện (Hybrid Warfare), đang được Nga và Trung Quốc triển khai trên toàn thế giới.
S-400 hiện vẫn chưa thử nghiệm thực tế trong chiến đấu. Hệ thống này đã triển khai ở Syria nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công đường không vào căn cứ quân sự Nga ở Khmeimim, nhưng chưa từng khai hỏa.
Chính vì vậy, hiệu quả chiến thuật của hệ thống phòng không với tầm bắn đến 400 km còn nhiều vấn đề bàn cãi, nhưng ý nghĩa chiến lược của một hệ thống vũ khí chiến thuật đã bị các nhà phân tích quân sự phương Tây bỏ qua.
Bất kể khả năng chiến đấu chưa được kiểm chứng, hàng loạt các cường quốc trở thành khách hàng tiềm năng của S-400, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út và Qatar. S-400 trở thành một phương tiện của chiến tranh kinh tế địa chính trị, một vũ khí tiến công chiến lược điển hình của Chiến tranh đa diện giữa Nga với Mỹ và các đồng minh NATO.
Trước khi nghiên cứu kỹ lưỡng chiến lược Chiến tranh đa diện của Nga, cần phải chú ý đến lợi ích chiến lược của việc xuất khẩu hệ thống vũ khí tiên tiến này.
Lợi ích chiến lược đầu tiên rõ ràng là nguồn thu nhập được tạo ra từ xuất khẩu vũ khí. Nền kinh tế Nga chịu đựng nhiều khó khăn trong thời kỳ lãnh đạo của tổng thống Putin, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây về Crimea, tình huống chiến tranh Ukraine, những cáo buộc về can thiệp bầu cử của Mỹ và giá dầu giảm.
Việc xuất khẩu vũ khí công nghệ cao làm đa dạng hóa nền kinh tế Nga, không còn phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Những doanh thu này hỗ trợ Nga vượt qua những trở ngại, tác động đến nền kinh tế, hỗ trợ chương trình hiện đại hóa quân sự của quốc gia này.
Lợi ích chiến lược thứ hai là uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao, khi các quốc gia khác nhận thức Nga vẫn là một cường quốc quân sự hùng mạnh, có khả năng phát triển các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ tiên tiến.
Các hệ thống phòng không do Liên Xô chế tạo được xuất khẩu trên toàn cầu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đặt dấu ấn khắp mọi nơi, tương tự như súng trường tấn công AK-47. Nga đang chứng minh rằng, mặc dù không phải là siêu cường, nhưng vẫn có thể chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại, có khả năng đe dọa những máy bay tiên tiến do Mỹ và các đồng minh phát triển.
Lợi ích chiến lược thứ ba: là xây dựng và củng cố mối quan hệ với các quốc gia hùng mạnh, điển hình là Trung Quốc. Bắc Kinh đang hợp tác với Moscow trong một số lĩnh vực quân sự, thúc đẩy phát triển cạnh tranh với Mỹ, hưởng lợi từ những chính sách địa chính trị không hiệu quả và sự rút lui toàn cầu của Washington.
Mặc dù giữa Nga và Trung Quốc có những mâu thuẫn nghiêm trọng trong quá khứ và sự nghi ngờ lẫn nhau, việc Trung Quốc mua hệ thống vũ khí S-400 là hành động tăng cường quan hệ quân sự giữa hai quốc gia, khi quá trình xuất khẩu vũ khí đi kèm với đào tạo lực lượng khai thác sử dụng, đảm nhiệm bảo trì, bảo dướng và sửa chữa và thay thế các bộ phận.
S-400 là một khoản đầu tư kinh tế đáng kể cho bất kỳ quốc gia nào, giữa khách hàng và nhà sản xuất sẽ có sự hợp tác liên tục, lâu dài, nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, phát huy đầy đủ các tính năng kỹ chiến thuật.
Lợi ích chiến lược cuối cùng được đề cập đến, là hệ thống vũ khí như một phương tiện chiến lược của Chiến tranh đa diện Nga. Khái niệm về mô hình Hybrid Warfare (Chiến tranh đa diện) được các học giả quân sự và các nhà phân tích tranh luận rất nhiều trong mười năm qua.
Một số các chuyên gia cho rằng chiến lược này không có gì mới, nhưng nhiều người khác nhấn mạnh rằng, đây là chiến lược cần được xem xét một cách nghiêm túc. Và sự thật là các cường quốc Nga và Trung Quốc đang sử dụng chiến lược này chống lại Mỹ và các đồng minh, đồng thời có thể khai thác được lợi ích của mình từ các quốc gia khác. Chiến lược này liên quan đến phương pháp tấn công đa dạng từ can thiệp nội bộ, chiến tranh không gian mạng, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, không rõ ràng về sự phát triển vũ khí hạt nhân, chiến tranh kinh tế, hỗ trợ các lực lượng chống lại Mỹ và phương Tây, phát triển sức mạnh quân sự....
Định nghĩa về Chiến tranh đa diện (Hybrid Warfare), được đưa ra bởi những nhà phân tích, khẳng định rằng mô hình này tồn tại đang là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều học giả và nhà phân tích cố gắng giải thích định nghĩa này. Tác giả bài viết, với tư cách là một nhà phân tích chiến lược cung cấp định nghĩa sau: "Chiến tranh đa diện là sự tiếp nối của chính sách đối ngoại, sử dụng sự kết hợp giữa sức mạnh cứng độc đáo và / hoặc các phương pháp phá hoại để đạt được các mục tiêu chiến lược".
Xuất khẩu S-400 - với những đặc trưng chiến lược của hệ thống là một phương tiện của Chiến tranh đa diện (Hybrid Warfare) - cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã cho Nga khả năng đạt được mục đích, mà không cần phóng bất kỳ quả đạn nào.
Mặc dù chưa được bàn giao, thương vụ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra sự rạn nứt lớn trong liên minh NATO. Nhìn nhận về một hệ thống phòng không tiên tiến do Nga chế tạo với những radar công suất lớn, được triển khai trên lãnh thổ các quốc gia NATO sẽ là một chiến thắng quan trọng đối với Putin trong tương lai. Mỹ phản ứng quyết liệt thương vụ này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ quốc gia này khỏi chương trình F-35.
Loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 lại có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Nga. Từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định sự quan tâm mua sắm 100 chiếc F-35 từ Mỹ. Loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này sẽ giảm thiểu rủi ro đối với không quân Nga từ lực lượng F-35 NATO đang triển khai sẵn sàng chiến đấu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thiếu hụt máy bay thế hệ 5 buộc Thổ Nhĩ Kỳ lấp đầy khoảng trống bằng việc chuyển hướng mua máy bay chiến đấu Nga, củng cố thêm lợi ích chiến lược cho Moscow trên cửa mở vào Trung Đông.
Putin quyết tâm phá vỡ sự gắn kết các quốc gia liên minh NATO. Do vị trí địa lý và tiềm lực quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng trong liên minh này. Việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 là một chiến thắng tuyệt vời cho Nga, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tách xa hơn nữa khỏi các đồng minh NATO. Rõ ràng việc cung cấp S-400 đã đạt được mục đích gây rạn nứt NATO và đang thành công.
Mỹ có quyền đe dọa trừng phạt, loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 nếu Ankara vẫn quyết định mua S-400, nhưng rõ ràng động thái này mang lại lợi ích cho Putin trong chiến lược Chiến tranh đa diện của Nga. Ngoài cách tiếp cận bằng phương thức “cái gậy”, như trong bức thư Shanahan, Mỹ nên tiếp cận kiểu “cà rốt” hấp dẫn hơn, như cung cấp thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Như vậy, ngoài 100 máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có khả năng phòng không đáng gờm hơn và từng bước quên S-400.
Các nhà phân tích, học giả và các nhà hoạch định chính sách không thể tự mãn và coi thường chiến lược Chiến tranh đa diện của Nga cùng với ý đồ gây lên sự rạn nứt trong mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa Mỹ và đồng minh. Mặc dù là một đối tác có vấn đề, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là cực kỳ quan trọng với Mỹ và NATO. Nhận được hậu quả trừng phạt là một kỹ thuật hữu ích nhằm kiềm chế những hành động cực đoan, nhưng kỹ thuật này phải được kết hợp với những động viên tích cực nhằm mang lại cơ hội thành công cao hơn.
Các thành viên trong liên minh NATO thường xuyên tranh cãi ngày này qua ngày khác. Đây hoàn toàn không có gì mới, nhưng khối NATO phải cùng nhau chống lại cuộc tấn công gây ảnh hưởng từ những quốc gia như Nga và Trung Quốc.
Adam Cabot là thạc sĩ Quan hệ quốc tế, chuyên gia nghiên cứu chiến lược hạt nhân của Nga.