Năm 1958, Bộ quốc phòng Liên Xô đã giao cho Phòng thiết kế đặc biệt Moscow cấp nhà nước GSKB-47 (nay là Tập đoàn nghiên cứu khoa học và chế tạo NPO Basalt) vũ khí chống tăng cá nhân cho quân đội. Hai năm sau, một nguyên mẫu được chế tạo, sau khi thử nghiệm cấp đơn vị chiến đấu và cấp nhà nước, được đưa vào biên chế.
Những đặc trưng kỹ chiến thuật của vũ khí chống tăng này là uy lực lớn, đơn giản trong khai thác sử dụng và độ tin cậy rất cao. Súng chống tăng RPG- 7 (B-41) nhanh chóng trở thành vũ khí chống tăng tốt nhất, sản xuất và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Tương tự như tiểu liên AK-47, RPG-7 có được vinh quang trong chiến tranh chống Mỹ và Kh’mer Đỏ trên chiến trường Camphuchia. Những kết quả đạt được trong các trận đánh chống tăng thiết giáp, các công trình phòng ngự vững chắc và đôi khi cả bộ binh đã khiến RPG-7 trở thành một vũ khí đáng sợ trong mọi cuộc chiến.
Khẩu RPG-7 trở thành vũ khí mà toàn thế giới đều biết đến, tương tự như AK-47 và thậm chí còn trở thành biểu tượng trên quốc huy của một số quốc gia.
Súng phóng lựu chống tăng RPG-7 (B41 Việt Nam) có trong biên chế đến các tổ bộ binh trong lực lượng vũ trang của 76 nước trên thế giới. Không chỉ là vũ khí diệt tăng, thiết giáp, xe bộ binh chiến đấu và các loại xe cơ giới khác. RPG-7 còn hạ cả trực thăng – hàng trăm chiếc trực thăng chiến đấu và cả máy bay cũng bị RPG tiêu diệt trong những tình huống đặc biệt.
Các nhà thiết kế từ Văn phòng thiết kế đặc biệt cấp nhà nước Moscow GSKB-47 đã chế tạo được đạn tên lửa cực kỳ đơn giản nhưng thành công. Đạn tên lửa của súng có 2 tầng phóng: liều phóng phụ cho gia tốc ban đầu, đẩy đạn ra khỏi súng (ống phóng) ở khoảng cách an toàn cho người bắn (15-20 mét), sau đó động cơ phản lực bắt đầu hoạt động. Nhờ những cánh tua bin cuối quả đầu đạn, quả đạn quay xung quanh trục trong khi bay, làm tăng khả năng chính xác, tiêu diệt xe tăng trên khoảng cách lên tới 350 mét.
Với thiết kế động cơ đẩy hoàn hảo, từ sau chiến tranh Việt Nam, các loại đầu đạn khác nhau của súng RPG-7 liên tiếp xuất hiện, chống lại sự phát triển của tăng, thiết giáp. Điển hình là sau khi xuất hiện giáp phản ứng nổ, đạn RPG-7 được thiết kế với 2 đầu đạn kế tiếp (tandem). Đầu đạn thứ nhất phá hủy giáp phản ứng nổ, đầu đạn thứ hai xuyên giáp xe tăng.
Súng RPG – 7 (B-41) cho thấy hiệu quả rất cao trên chiến trường Việt Nam, đạn B-41 khi đánh trúng xe tăng M48 Mỹ (chạy bằng động cơ xăng), thường đốt cháy xe, gây tổn thất nặng nề cho kíp lái. Súng B-41 thường xuyên phá hủy hoàn toàn các xe thiết giáp M-113 và các loại phương tiện cơ giới khác của Mỹ.
Hơn một nửa số tổn thất tăng thiết giáp của Quân đội Mỹ tại Iraq do trúng đạn RPG-7. Các phương tiện bọc thép hạng nhẹ như xe Hummer thường bị phá hủy hoàn toàn, những xe tăng hạng nặng bị mất khả năng cơ động ngay khi trúng quả đạn đầu tiên, các tay súng sau đó phóng đạn liên tiếp cho đến khi xe cháy hoàn toàn. Ngay cả xe tăng Abrams hiện đại cũng không an toàn khi đối đầu với RPG – 7, hơn một nửa số lần bị bắn trúng sườn sau và đuôi xe kết thúc bằng việc chiếc xe tăng bị phá hủy hoàn toàn.
Trên chiến trường Chesnya, T-72 và T-80 của Nga có sức chịu đựng lớn hơn, nhưng khi bị bắn hỏng bộ phận chuyển động và trúng tới 15 quả đạn, xe cũng bị phá hủy không thể phục hồi.
Ở Syria, súng RPG thường xuyên được sử dụng trong các cuộc chiến đô thị, các bên sử dụng súng phóng lựu có hiệu ứng nổ lõm để vô hiệu hóa các xạ thủ bắn tỉa và súng máy trong các tòa nhà cao tầng. Sóng xung kích thường gây chấn thương rất mạnh đối với các tay súng nấp sau các bức tường nhà.
Mặc dù đã 58 năm trong khai thác sử dụng, nhưng RPG-7 vẫn chưa có dấu hiệu bị lão hóa, đạn liên tục được cải tiến và súng có mặt trong tất cả các cuộc chiến tranh từ nhỏ tới lớn, trở thành vũ khí không thể thiếu đối với các tổ bộ binh trên chiến trường.
Giới thiệu súng phóng lựu chống tăng RPG - 7 (B-41 Việt Nam). Video QPVN