Rửa mặt sạch quá hay để mặt bị bẩn, lỗ chân lông tắc nghẽn, đều có thể khiến da bạn gặp những vấn đề rắc rối khó sửa.
Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo mỹ phẩm Granpa’s Garden cho biết, để kích thích nhu cầu tiêu dùng, các công ty kinh doanh mỹ phẩm tạo ra rất nhiều mỹ từ cho việc làm sạch, ví dụ như “sạch sâu”, “tẩy da chết”, “diệt khuẩn”, “thải độc”... nhưng về bản chất thì chúng đều gói gọn vào một giá trị cốt lõi là làm sạch. Chỉ cần bạn làm sạch đủ và đúng cách, thì tất cả những mỹ từ trên đều đúng.
Nhiều người không hiểu, không biết thế nào là sạch đủ, đâm ra "sạch thiếu" (vẫn còn bít tắc), hoặc "sạch thừa" (bào mòn da quá đỗi). Một số chị em có cách test là thử dùng bông tẩy trang thấm toner lau xem còn đen bông không, nhưng việc này chỉ kiểm tra được độ sạch đến phần trên của nang lông (không quá sâu). Nó không kiểm tra được mức độ sạch sâu (bít tắc ở chân nang lông) và không báo hiệu việc da bị làm sạch quá mức (quá mỏng). Nếu sau khi rửa mặt, bạn không thấy có bít tắc hay da bong tróc, thì bạn không cần tẩy da chết. Tẩy da chết lúc này sẽ khiến da bị sạch quá, khiến da bị mỏng hơn, mẫn cảm hơn.
Cũng không cần phải sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn nếu không có nhiều mụn viêm do vi khuẩn. Không nên dùng phương pháp thải độc da nếu bạn không có các vấn đề như da bị bít tắc, mụn ẩn nhiều. Da sạch bình thường là làn da thông thoáng, không quá mỏng, không bắt nắng, không nhạy cảm với thời tiết/mỹ phẩm hơn bình thường, không làm da khô căng, kin kít. Tốt nhất, hãy chăm sóc da dựa trên nhu cầu tự thân của làn da, không quá sạch, không lạm dụng các sản phẩm tẩy độc hay diệt khuẩn, tẩy da chết… Làn da khỏe mạnh là làn da sạch tự nhiên.