Hồi ức xúc động của cựu chiến binh tiếp quản Thủ đô

“Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua… Mắt nhòa lệ, nhất là với những đồng chí đã chiến đấu 60 ngày đêm trong đội quân ‘Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh’ giữ Hà Nội”, ông Tính xúc động nhớ lại.

70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức ngày 10/10 giải phóng Thủ đô vẫn còn như vẹn nguyên trong tâm trí ông Lê Văn Tính, hội viên Hội cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, nguyên chiến sĩ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Sư đoàn quân tiên phong (308).

Chuẩn bị tiếp quản Thủ đô khẩn trương, nghiêm túc theo lời dặn của Bác Hồ

Trò chuyện với PV Khoa học và Đời sống/ Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Văn Tính chia sẻ: “70 năm trước tôi là chiến sĩ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Sư đoàn quân tiên phong (308)”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ông được theo Đại đội trưởng về Đền Hùng gặp Bác Hồ giao nhiệm vụ “Tiếp quản Thủ đô” cho Sư đoàn 308. “Đây là một sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được”, ông Tính xúc động.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh tư liệu TTXVN.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh tư liệu TTXVN.

Lần đầu gặp Bác Hồ, tâm trạng ông Tính xiết bao bồi hồi. Ông thấy Bác mạnh khỏe, nước da hồng hào. Trời se lạnh mà Bác chỉ mặc bộ quần áo nâu bạc màu. Bác ngồi xuống bậc hè nhà đền thân mật hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không?”. Có vài lời thưa: “Thưa Bác đây là Đền Hùng”. Bác thân mật ý nói: “Đúng… Các Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước… Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.

Tiếp đó, Bác ân cần dặn: “… Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng âm mưu phá hoại của địch, đấu tranh giữ được nguyên vẹn điện, nước, bệnh viện, trường học, nhà cửa, đường xá… để ta dùng. Các chú phải luôn giữ kỷ luật nghiêm minh, giữ gìn phẩm chất cách mạng… Trong chiến tranh xông pha lửa đạn không chết vì viên đạn đồng, trong hòa bình nếu không giữ được phẩm chất cách mạng có thể ngã vì viên đạn bọc đường… các chú phải luôn đoàn kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách quy định của Nhà nước, phản bác những luận điệu sai trái phản động của kẻ thù”.

Kết thúc buổi nói chuyện Bác hỏi: “Vào thành phố mới giải phóng, Bác mong các chú nghiêm chỉnh gương mẫu chấp hành hoàn thành nhiệm vụ có được không?”. Anh em đứng dậy hứa với Bác hoàn thành nhiệm vụ và chúc Bác mạnh khỏe sống lâu. Bác cười đôn hậu: “Được, muốn Bác vui khỏe sống lâu, các chú hãy hoàn thành lời Bác căn dặn”. Bộ đội vỗ tay hân hoan tiễn Bác.

Chấp hành chỉ thị của Bác về công tác đặc biệt này, ông và các đồng đội có hơn một tháng để chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và rất cụ thể.

Các buổi truyền đạt những nội dung xây dựng quan điểm, lập trường, phẩm chất, đạo đức của người quân nhân cách mạng, những nội dung quy định thực hiện trong vùng mới giải phóng, pháp lệnh quân quản… cả việc hướng dẫn bộ đội những điều cụ thể trong sinh hoạt ở thành phố….

“Chúng tôi được phát trang phục mới, mọi người phấn khởi, háo hức mong nhanh đến ngày vào Thủ đô”, ông Tính kể lại.

Những khoảnh khắc lịch sử không thể quên

5h sáng ngày 10/10, rời làng Phùng, ông Tính cùng đồng đội đội ngũ chỉnh tề theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn hiện ra trước mặt ông và những người lính tiếp quản Thủ đô là một Hà Nội với rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, nhiều nhất là “HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM”.

“Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại… Chúng tôi mắt cũng nhòa lệ, khó diễn tả nỗi xúc động trong lòng, nhất là những đồng chí đã chiến đấu 60 ngày đêm trong đội quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” giữ Hà Nội, ra đi từ ngày đầu kháng chiến… nay trở về.

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu.

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu.

Đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân, phố phường đang có lệnh giới nghiêm, nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người đứng trong nhà nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu… Chúng tôi vào thành lối Cửa Đông”, ông Tính bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc như vừa mới hôm qua.

Chiều hôm đó, ông cùng các đồng đội tập trung ở sân Cột Cờ, đội ngũ chỉnh tề cùng các đơn vị bạn và nhân dân, có cả tổ quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ dự lễ thượng cờ.

15h, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô.

Ông Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Sư đoàn quân tiên phong (308) chia sẻ hồi ức tiếp quản Thủ đô.

Ông Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Sư đoàn quân tiên phong (308) chia sẻ hồi ức tiếp quản Thủ đô.

“Lời thư thân mật, tha thiết, trong không khí thiêng liêng, lòng tôi xúc động rưng rưng nước mắt. Lời đọc vừa dứt, tiếng hô “HỒ CHÍ MINH muôn năm” vang lên… biểu thị tấm lòng kính yêu lãnh tụ của Nhân dân Thủ đô.

Thật vinh dự tự hào cho chúng tôi, những chiến sĩ được tham gia tiếp quản giải phóng Thủ đô, nay trở thành cư dân của Thủ đô tươi đẹp, thành phố vì hòa bình vươn lên tầm cao văn minh hiện đại”, ông Tính xúc động.

Ông Tính chia sẻ, để có được Thủ đô như ngày hôm nay, là biết bao máu xương cha ông đổ xuống. Ông và nhiều người cao tuổi Thủ đô mong muốn các cán bộ, đảng viên luôn thấm nhuần lời Bác “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để giữ vững độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Mong muốn các cháu thanh, thiếu niên noi gương các bậc cha anh đã hy sinh chiến đấu giải phóng Thủ đô, hãy tu dưỡng rèn luyện xứng đáng là công dân tốt, có nhiệt huyết xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Vào lúc 15h ngày 10/10/1954, sau một hồi còi dài tại Nhà hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.

Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang.

Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí... tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Theo Đời sống
Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Theo các chuyên gia, sách khoa học có tính hàn lâm cao, kén độc giả. Tuy nhiên, nên coi đọc sách khoa học không chỉ là một sở thích, mà sách chính là hành trang quan trọng cho mỗi người.
back to top