Ngày 10/10, Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách khoa học" đã diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và độc giả yêu thích sách khoa học.
Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách khoa học" với sự chủ trì của PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, và ThS Phạm Bích Hồng. |
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức với sự chủ trì của PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, và ThS Phạm Bích Hồng, Phó trưởng ban Thông tin và Phổ biến Kiến thức LHHVN, kiêm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức.
Đọc sách khoa học không chỉ là sở thích
Phát biểu tại hội thảo, ThS Phạm Bích Hồng cho hay, Nhà xuất bản (NXB) Tri thức là 1 trong 57 Nhà xuất bản của cả nước, được thành lập năm 2005, là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đến nay vừa tròn 19 năm ra đời và phát triển.
ThS Phạm Bích Hồng, Phó trưởng ban Thông tin và Phổ biến Kiến thức LHHVN, kiêm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức. |
Với tôn chỉ, mục đích được quy định, trong gần 20 năm qua, NXB Tri thức đã bền bỉ theo đuổi mục tiêu: xuất bản sách khoa học từ thường thức đến tinh hoa, phục vụ đối tượng bạn đọc trong giới nghiên cứu khoa học, các trường đại học và bạn đọc yêu sách trong và ngoài nước.
Đến nay, NXB Tri thức đã xuất bản gần 2.000 đầu sách, trung bình khoảng 100 đầu sách/năm; những năm gần đây số đầu sách xuất bản trong một năm của NXB tăng lên đáng kể, mỗi năm khoảng 200 đầu sách, năm 2023 là 300 đầu sách. Nổi bật nhất là Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới, Tủ sách tri thức mới, Tủ sách phổ thông, Tủ sách tâm lý giáo dục, Tủ sách Tiểu sử.
Sách khoa học của NXB Tri thức có đặc điểm khá chung là sách có tính khoa học, hàn lâm cao; sách kén độc giả. Tuy nhiên, đọc sách và đọc sách khoa học không chỉ là một sở thích, mà còn là một hành trang quan trọng cho mỗi người chúng ta, như câu nói của Nhà văn Voltaire: "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các bạn sinh viên tham gia. |
“Việc đọc sách giúp chúng ta trở thành những người có kiến thức, có kỹ năng, và có một cuộc sống ý nghĩa. NXB Tri thức luôn trung thành với sứ mệnh xuất bản sách khoa học, luôn sẵn sàng cống hiến, mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển và xã hội học tập trong tương lai”, ThS Phạm Bích Hồng cho hay.
ThS Phạm Bích Hồng cho biết, thời gian tới, NXB Tri thức sẽ huy động sự phối hợp, tham gia của các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp 2,2 triệu trí thức, là nguồn tiềm năng rất lớn trong việc cho ra đời các tác phẩm khoa học có giá trị, tuy nhiên hiện nay việc phối hợp giữa NXB Tri thức và các nhà khoa học, các hội thành viên chưa lớn, cần phải khai thác nguồn lực tiềm năng này.
Sách là người thầy vĩ đại nhất
Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ từ phía các đại biểu tham dự. Nhiều ý kiến tập trung vào việc phát triển kỹ năng đọc hiểu và phương pháp chọn lọc sách khoa học phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân. Những kinh nghiệm này không chỉ giúp người đọc nâng cao tri thức mà còn thúc đẩy văn hóa đọc sách khoa học trong xã hội.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam (VSA). |
GS VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam (VSA) chia sẻ, tất cả các thể loại sách khoa học ông đều có hứng thú tìm hiểu và đọc tùy theo thời kỳ công tác, lứa tuổi trưởng thành. Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, ông chỉ đọc sách đã in sẵn, nhưng gần đây ông đã chủ yếu đọc sách điện tử.
Để có được sự hấp dẫn với người đọc, GS.VS Trần Đình Long cho rằng, sách về khoa học thì cần thể hiện được tính chính xác, tính kế thừa, tính mới, tính thời sự, tính sáng tạo, tính thực tiễn và tính lan tỏa. Hình thức phải đẹp, hấp dẫn, đọc dễ hiểu, những khái niệm phức tạp phải diễn giải đơn giản để bạn đọc dễ hiểu.
Theo GS Long, sách là nguồn tri thức vô tận, sách vừa là người thầy vĩ đại nhất vừa là người bạn đồng hành. Phương châm của cuộc sống là hãy đứng lên vai người khổng lồ, liên tục học hỏi để không ngừng sáng tạo, để có trí tuệ và lòng nhân ái, chỉ có một cách duy nhất là đọc sách, đặc biệt là sách khoa học.
“Đọc như thế nào, đọc lúc nào là tùy thuộc vào mỗi người, nếu coi mình chỉ là hạt cát trong đại dương thì sách sẽ là đại dương về kiến thức. Nó lôi kéo, hấp dẫn, cuốn hút chúng ta vì sách là người bạn tri kỷ, là người yêu bất tử”, GS.VS Trần Đình Long nói.
PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. |
PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho hay, cấp độ cao nhất của việc đọc là đọc sách khoa học để có thể nhờ đó tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học đem lại sự giàu có cho quốc gia. Nhưng để được như thế cần được đào tạo đầy đủ về phương pháp luận nghiên cứu, cái mà các trường chúng ta đang thiếu. Cùng với đó, có sự nghiên cứu khoa học phổ biến theo đúng các tiêu chuẩn khoa học, điều mà chúng ta không có nhiều. Đặc biệt, cần có sự đề cao hoạt động nghiên cứu khoa học của toàn xã hội trên thực chất, chứ không phải bằng sự hô hào chung chung. Những việc tưởng như không khó, nhưng lại là quá khó trong điều kiện chúng ta hiện nay.
Theo PGS.TS Phạm Bích San, việc đi học là để lấy kiến thức, nhờ đọc và theo dõi thông tin một cách có hệ thống, là điều kiện cần cho việc hình thành nên con người, còn đào luyện nên người được coi trọng trong xã hội có tư duy độc lập, duy lý là điều kiện đủ để hoàn tất việc học hành. Và đọc sách khoa học là để có thể khám phá và tìm ra cái mới chính là cảnh giới cao nhất của việc đọc.
Tác giả Phạm Việt Hưng giới thiệu cuốn sách “Định lý Gödel”. |
Trong khuôn khổ hội thảo, cũng diễn ra phần Giới thiệu cuốn sách “Định lý Gödel” của tác giả Phạm Việt Hưng, do NXB Tri thức ấn hành tháng 8/2024. Nhà nghiên cứu Phạm Việt Hưng là tác giả của nhiều sách phổ biến khoa học, ông dạy toán cao cấp, cơ học lý thuyết, toán kinh tế.