Rễ tầm xuân trị bại liệt nửa người

Rễ tầm xuân vị đắng hơi sáp, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết và giải độc, được dùng để chữa liệt mặt, liệt nửa người, đau răng, viêm miệng, chảy máu…
rễ tầm xuân

Rễ hoa tầm xuân có tác dụng trị bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não.

Tầm xuân còn có nhiều tên khác như thích hoa, bạch tàn hoa, thích mi, ngưu cức, tường mi, thập tỉ muội, thất tỉ muội, dã tường vi, hòa thượng đầu…Theo y học cổ truyền, tất cả các bộ phận của cây đều có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là rễ.

Theo kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại, thành phần chủ yếu của rễ tầm xuân có – sitosterol, dyhydroxy ursolic acid, triterpenic acid, cachoa extract… Dịch chiết có tác dụng chống đông máu, bảo vệ cơ tim, làm giảm cholesterol, triglycerid và lipoprotein huyết thanh.

Y học cổ truyền cho rằng, rễ tầm xuân vị đắng hơi sáp, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết và giải độc, được dùng để chữa nhiều chứng bệnh:

– Liệt mặt, tai biến mạch máu não: Liệt mặt và di chứng liệt nửa người do tăng huyết áp dùng rễ tầm xuân 15-30g sắc uống.

– Chảy máu cam mạn tính: Vỏ rễ tầm xuân 60g hầm với thịt vịt già ăn.

– Đau răng và viêm loét miệng: Dùng rễ tầm xuân sắc uống hoặc ngậm.

– Viêm khớp,  liệt bại nửa người, kinh nguyệt không đều, khí hư và tiểu tiện không tự chủ dùng rễ tầm xuân 15-30g sắc uống.

– Hoàng đản (vàng da do nhiều nguyên nhân) dùng rễ tầm xuân 15-24g hầm với 60g thịt lợn nạc, chế thêm một chút rượu vang, chia ăn vài lần trong ngày.

– Đái dầm trẻ em, người già đi tiểu đêm nhiều lần dùng rễ tầm xuân 30g sắc uống hoặc hầm với thịt lợn ăn.

– Phế ung (áp xe phổi) dùng rễ tầm xuân 15g, hạt bí đao 30g, ý dĩ 30g, sắc uống.

– Thương tổn do trật đả và trĩ xuất huyết dùng rễ tầm xuân tươi 30g rửa sạch, giã vắt nước cốt uống.

– Vết thương chảy máu dùng rễ tầm xuân lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rắc vào tổn thương, cũng có thể trộn với dầu vừng để đắp.

 – Rong huyết dùng rễ tầm xuân 30g, ngải cứu già đốt tồn tính 10g, cỏ nhọ nồi 30g, tiên hạc thảo 30g, sắc uống hằng ngày.

– Bỏng dùng rễ tầm xuân tươi nấu nước rửa hằng ngày hoặc bột rễ tầm xuân trộn với dầu vừng đắp.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện TƯQĐ 108)

Theo Đời sống
back to top