Dấu hiệu cơ thể cần bổ sung rau củ
Tất nhiên những triệu chứng này có thể cảnh báo nhiều điều bất thường trong cơ thể, và ăn quá ít rau là một trong số các nguyên nhân đó.
Có nhiều vết bầm trên da: Ăn ít rau củ sẽ thiếu vitamin C (đóng vai trò sản xuất collagen), dẫn đến mạch máu bị tổn thương, dễ bị bầm dù chỉ va chạm nhẹ. Hãy tăng cường bổ sung cam chanh, cải xoăn, ớt chuông, súp lơ xanh vào khẩu phần ăn.
Táo bón: Tình trạng này xảy ra lâu ngày sẽ khiến cơ thể tích tụ độc tố, dẫn đến trĩ và các vấn đề đề tiêu hóa. Ăn không đủ lượng rau củ cần thiết chính là một nguyên nhân dẫn đến táo bón.
Luôn đói trong thời gian ngắn: Cơ thể thiếu chất xơ khiến dạ dày luôn trống, tạo cảm giác đói nhanh, dẫn đến thèm ăn và tăng cân. Rau củ chứa lượng xơ lớn, là gợi ý tốt để tránh tình trạng ‘vừa ăn đã đói’ này.
Thường xuyên quên: Thiếu rau là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Rau xanh họ cải chứa nhiều hợp chất lutein, giúp cải thiện khả năng nhận thức, tăng cường trí nhớ.
Hay mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ốm vặt: Là biểu hiện cơ thể đang thiếu magie và kẽm, máu không đào thải hết các độc tố. Giải pháp là cần bổ sung các loại rau củ quả màu đậm như củ dền, rau dền, cà chua, rau chân vịt.
Vậy cần ăn rau như thế nào?
Theo PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi bữa ăn cần phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm và ít nhất 15 loại thực phẩm. Trong đó, rau, củ không thể thiếu. Bởi lẽ, chỉ khi đáp ứng đầy đủ khẩu phần rau hàng ngày, cơ thể mới được cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết, thúc đẩy quá trình thải độc/chất béo, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh tim, ung thư, mỡ máu, rối loạn tiêu hóa…
Tháp dinh dưỡng hợp lý (nguồn: ttvn.vn)
Trung bình 10 kg/người trưởng thành/tháng, tức là mỗi ngày cần ăn ít nhất 400 - 600gr rau xanh trong khẩu phần. Bên cạnh đó, nên bổ sung trái cây với lượng 200-300 gr/người/ngày.
Nên chia nhỏ khẩu phần trên thành nhiều lần, mỗi lần từ 50-60 gr.
Trái cây nên ăn giữa khoảng thời gian hai bữa chính, có thể là táo, đu đủ, cam, chuối… Thói quen của người Việt, ăn no vào bữa trưa và tối, coi là chính, do đó cần chú trọng lượng rau xanh ở hai bữa này, không nên thiếu.
Có thể dùng nước ép rau củ để bổ sung, tuy nhiên không nên thay thế hoàn toàn việc ăn, để giữ chất xơ và hấp thụ hoàn toàn các chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, cần chú ý lưu trữ, bảo quản thực phẩm đúng cách. Bởi lẽ, việc giữ từng loại rau củ quả không đúng sẽ gây hao hụt chất dinh dưỡng. Nên mua và ăn ngay trong ngày, đảm bảo độ tươi ngon. Một số loại không nên cho tủ lạnh như cà chua, hành tây, khoai tây, chuối, húng quế, cà tím. Không nên ngâm quá lâu trong nước, một số loại rau củ có hình dáng cứng (như ớt chuông...) nên rửa dưới vòi nước chảy, đồng thời cần điều tiết nước để tránh rau bị dập nát.
Rau xanh và hoa quả không thể thiếu trong khẩu phần mỗi ngày (Ảnh: Communitytable)
Rau khi ninh nhừ hoặc đun kỹ sẽ bị giảm dưỡng chất, vitamin so với rau sống hay rau luộc vừa tới.
Rau đã chế biến tốt nhất ăn hết trong một bữa, tránh để lại ngày hôm sau hoặc hâm lại nhiều lần, đặc biệt với các loại rau hẹ, củ cải, rau diếp. Lượng nitrat trong các loại rau này sẽ chuyển thành nitrit gây hại nếu chúng ta đun đi đun lại nhiều lần.
Những món dưa cải muối cần chờ thực sự chín mới ăn. Bởi lẽ, khi chưa chín, hàm lượng nitrit tồn dư sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, thậm chí nguy cơ gây ung thư.
Lạm dụng rau củ chứa carotene như cà chua, cà rốt. Chúng khiến lượng lipid trong máu tăng cao, gây vàng da, vàng mắt, lâu dần suy giảm nhận thức, dẫn đến khó ngủ, nói mơ…
Ảnh trong bài: Internet