Củ khoai ít có dư lượng thuốc trừ sâu
Thời gian gần đây, tình trạng khoai tây, cà rốt Trung Quốc nhưng gắn mác Đà Lạt lại nổi lên nóng bỏng khiến dư luận quan tâm. Theo các thương lái thì khoai tây Trung Quốc khi nhập về phải rửa thật sạch, sau đó để ráo nước, trộn đất vào và phải để từ 2-3 ngày cho khoai thấm đất và khô.
Có như vậy khoai mới nổi bật màu lên được, bằng mắt thường rất khó nhận ra đâu là khoai tây Trung Quốc, đâu là khoai tây Đà Lạt. Đối với cà rốt, không thể làm theo cách trộn đất như khoai tây mà phải đào hố bỏ xuống, sau đó dùng đất của Đà Lạt phủ lên, tưới thêm nước rồi để khoảng vài ngày thì bới lên đóng theo từng túi từ 10-50 kg, tùy đơn hàng.
Ngoài khoai tây, củ dền, cà rốt, hiện nhiều củ, quả khác như hành tây, củ cải… cũng được các thương lái lấy từ Trung Quốc về, sau đó “phù phép” thành hàng Đà Lạt để bán ra thị trường. Sau khi hoàn thiện, các chủ vựa sẽ đóng gói và dán nhãn mác hàng Đà Lạt để đưa về các chợ đầu mối, sau đó giao cho các tiểu thương nhỏ bán ra chợ truyền thống.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là khoai tây Trung Quốc, đâu là khoai tây Việt Nam. Về bản chất, đây chỉ là chiêu trò gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, chứ không phải khoai tây Trung Quốc thì độc hại.
Về cơ bản, các loại rau ăn củ thường dùng rất ít thuốc bảo vệ thực vật. Do đó dư lượng thuốc trong củ thường rất ít nên không cần phải lo lắng về dư lượng thuốc trong các loại củ này. Khoai tây Trung Quốc cũng không có độc tố gì đặc biệt, không nên có “ác cảm” với nó.
“Các loại rau ăn củ nói chung, dù trồng ở trong nước hay ở đâu thì cũng khá an toàn, ít khi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Khoai tây rất dễ canh tác, không cần đến nhiều chất hóa học.
Vấn đề là để giữ được tươi ngon thì người ta có sử dụng chất bảo quản gì không? Nhưng hàng hóa đã được nhập khẩu chính ngạch thì đã được kiểm soát về vấn đề này. Vì thế người tiêu dùng không nên quá lo lắng”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết.
Ăn khoai đúng mùa
Để chọn đúng khoai tây trồng trong nước, theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch thì dựa vào mùa khoai để biết. Khoai tây được gieo trồng vào khoảng tháng 8-9 và thu hoạch vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Chỉ trong mùa vụ thì mới có khoai tây.
Nếu khoai có quanh năm, hoặc ở những tháng không phải là mùa khoai thì có thể nghi ngờ đó là khoai nhập khẩu, không phải khoai trồng trong nước. Đây là yếu tố duy nhất để lựa chọn đúng khoai tây ta hay khoai tây Trung Quốc.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, việc phân biệt khoai tây dựa vào hình thức bên ngoài cũng không phải tuyệt đối đúng. Ví dụ như đặc điểm của củ khoai tây Trung Quốc thường to, thon dài, kích cỡ khá đồng đều nhau, vỏ dày, ít bị sứt sẹo, bóng đẹp, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to.
Trong khi khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, thường có hình bầu dục hoặc tròn, cỡ củ khá chênh lệch, vỏ mỏng, dễ bị trầy xước, bong tróc, mắt củ ít và nhỏ. Nhưng với các chiêu trò của thương lái thì đặc điểm nào cũng có thể làm giả. Thậm chí, chính khoai tây Đà Lạt cũng bị “nhuộm” cho đẹp mã, dễ bán.
Do đó, với các loại rau ăn củ khác cũng vậy, chỉ cần dựa vào mùa vụ là biết đó có phải sản phẩm nội địa hay không. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách phân biệt tương đối. Việc sử dụng các loại khoai tây, cà rốt, rau ăn lá khác… về cơ bản là an toàn hơn rau ăn lá. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo quản thì các nhà quản lý phải vào cuộc làm rõ. Việc phân biệt rau củ có chất bảo quản với người tiêu dùng lại càng khó khăn.
“Để giải quyết tình trạng gian lận này thì chỉ còn cách truy xuất nguồn gốc nông sản từ khâu trồng trọt đến vận chuyển, buôn bán. Tạo ra nhận diện cho từng sản phẩm nông nghiệp mới nâng giá trị được hàng nội địa”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch.
Bảo Khánh