Hầu hết, việc lưu trữ và bảo quản thương thực, thực phẩm trong tủ lạnh là thói quen của mọi gia đình. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sẽ giúp chúng tươi ngon hơn, nhưng đối với khoai tây, việc bảo quản chúng trong tủ lạnh là điều không nên chút nào.
Lý giải điều này, chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm – Vũ Thê Thành, trả lời trên báo chí: “Khoai tây là trường hợp đặc biệt, không nên bảo quản trong tủ lạnh. Bởi chúng rất dễ nảy mầm ở nhiệt độ hơi ấm và ẩm. Mầm khoai tây chứa các alcaloit rất độc hại. Không nên ăn khoai tây nảy mầm”.
Khi một củ khoai tây quá già, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường. Đường này sẽ biến đổi thành các alcaloit gọi là solanine và chaconine-alpha. Các alcaloit thường tập trung trong thân, lá, mầm khoai tây cũng như khu vực vỏ màu da xanh lá cây của củ. Số lượng alcaloit phụ thuộc vào các điều kiện bảo quản và độ tuổi của khoai tây.
Nếu củ có vỏ màu xanh lá cây và mọc mầm khi mua, loại khoai tây này có thể đầu độc bạn. Nên gọt bỏ mầm của khoai tây để chắc chắn tinh bột trong khoai chưa được chuyển đổi thành các alcaloit độc hại và rằng khoai được an toàn. Tốt nhất là không nên ăn củ khoai tây này.
“Cách lưu trữ đơn giản nhất là khoai tây mua về không cần rửa, còn bùn khoai dễ sống dai. Để khoai vào túi đen, tránh ánh sáng và giữ nơi thoáng mát là được” – vị chuyên gia chia sẻ.
Hay trên trang điện tử Mirror đăng tải, theo cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) cũng khuyến cáo, khoai tây chính là một trong số thực phẩm tuyệt đối không được bảo quản trong tủ lạnh. Khi chúng được lưu trữ trong tủ lạnh, tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường. Nên lúc nướng hoặc rán ở nhiệt độ từ 120 độ, đường sẽ kết hợp với các acid amin asparagin và sản xuất acrylamide hóa học, vốn rất có hại.”
Do đó, các bà nội trợ không lưu trữ khoai tây trong tủ lạnh, để bữa ăn chế biến từ thực phẩm này được thơm ngon, dinh dưỡng và an toàn hơn.
An Nhiên (tổng hợp)