Quy chế ứng phó sự cố chất thải: Đối tượng gây sự cố phải trả toàn bộ chi phí khắc phục

(khoahocdoisong.vn) - Việc ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải sẽ lấp được khoảng trống pháp lý trong công tác ứng phó sự cố chất thải bằng cách quy định rõ nhiệm vụ từng cơ quan, ban ngành trong phối hợp xử lý sự cố chất thải.

Ngày 18/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định pháp luật cụ thể về ứng phó sự cố chất thải. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2020.

Khoảng trống pháp lý xử lý sự cố chất thải

Trước khi quyết định này được ban hành, việc ứng phó sự cố chất thải đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nhưng tại các văn bản này, việc xử lý sự cố môi trường mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy trình cụ thể, chưa rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong ứng phó từng loại sự cố môi trường, trong đó có sự cố chất thải; vẫn thiếu quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm không rõ ràng trong ứng phó sự cố cả ở cấp quốc gia và địa phương; năng lực ứng phó sự cố môi trường ở cấp địa phương còn bất cập, thiếu cơ chế cụ thể về huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường.

Như vậy, vẫn còn một khoảng trống pháp lý trong việc xử lý sự cố chất thải, đặc biệt là xác định loại sự cố, các bước ứng phó, trách nhiệm tổ chức ứng phó, nguồn lực để ứng phó, dẫn đến những lúng túng, khó khăn cho các địa phương và ban, ngành trong ứng phó sự cố chất thải.

Trong khi đó, mỗi loại sự cố môi trường cơ bản đều có quy định, quy chế ứng phó riêng như sự cố tràn dầu, sự cố cháy nổ, sự cố hóa chất độc, sự cố bức xạ… riêng sự cố chất thải chưa có quy chế, quy trình ứng phó trên thực tế.

Do đó, Quy chế mới được đưa ra là mảnh ghép quan trọng và cần thiết để lấp đầy khoảng trống pháp lý và tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn ứng phó sự cố chất thải hiện nay.  

Theo Quyết định này, sự cố chất thải được định nghĩa là sự cố môi trường do chất thải gây ra trong quá trình quản lý chất thải. Có 4 mức để phân loại sự cố chất thải. Mức 1 là mức trong phạm vi của cơ sở và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở. Mức 4 là mức độ thảm họa là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Việc ứng phó sự cố mức độ thảm họa được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Đối tượng gây sự cố phải trả toàn bộ chi phí khắc phục

Quy trình ứng phó sự cố theo các bước công việc, thời gian và trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo 3 bước công việc gồm chuẩn bị ứng phó sự cố, tổ chức ứng phó sự cố và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Việc cung cấp thông tin về sự cố chỉ được thực hiện thông qua người phát ngôn chính thức để bảo đảm tính thống nhất, chính xác và tránh việc thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Quy chế quy định mang tính nguyên tắc để người có thẩm quyền có thể chủ động huy động khẩn cấp các nguồn lực tại chỗ để tổ chức ứng phó sự cố một cách kịp thời. Quy chế cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến ứng phó và cải tạo, phục hồi môi trường cho Nhà nước...

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh phí xử lý sự cố chất thải được lập trên nguyên tắc ai gây ra sự cố chất thải thì phải có trách nhiệm chi trả cho chi phí tổ chức ứng phó, cải tạo và phục hồi môi trường. Kinh phí này bao gồm cả các trách nhiệm khác như bồi thường thiệt hại, hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu hợp tổ chức, cá nhân gây ra sự cố không có khả năng chi trả, chi trả không đủ, không kịp thời hoặc trong trường hợp chưa xác định được chủ thể gây ra sự cố thì Nhà nước có trách nhiệm đứng ra tổ chức ứng phó sự cố để bảo vệ lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng. Theo Quy chế, trường hợp này thì nguồn kinh phí được xác định là từ nguồn kinh phí dự phòng, nguồn sự nghiệp môi trường và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Sau đó tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố cho nhà nước.

Theo Đời sống
back to top