Theo Đông y, quả na vị ngọt, chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng. Quả na được nhân dân sử dụng chữa lỵ, tiết tinh, đái tháo, bệnh tiêu khát. Quả na điếc dùng trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng. Hạt na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ và vỏ cây dùng trị tiêu chảy và trục giun.
Na là nguồn tuyệt vời của vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Một quả na trung bình có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C mà cơ thể cần hằng ngày. Quả na cũng giàu vitamin A có khả năng cải thiện thị lực. Nhờ chứa riboflavin, vitamin B2 nên ăn na giúp chống lại sự hình thành các gốc tự do, ngăn ngừa các vấn đề về mắt, giúp chúng ta có đôi mắt sáng, tinh anh. Na cũng là nguồn cung cấp kali, chất xơ, carbohydrates, một số vitamin và khoáng chất thiết yếu nên rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Na không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, hàm lượng natri thấp nên có lợi cho những người ăn kiêng hoặc đang có ý định giảm cân.
Những người lao động trí óc được khuyên ăn na bởi na là nguồn vitamin B6 tuyệt vời. 1 cốc sinh tố na 160g chứa hơn 30% lượng vitamin B6 mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm serotonin và dopamine, giúp điều chỉnh tâm trạng trở nên tốt hơn và tránh nguy cơ bị stress, trầm cảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra, vitamin B6 rất có lợi cho hoạt động của não bộ vì nó kiểm soát mức độ hóa học thần kinh GABA. Mức độ hóa học thần kinh GABA có tác dụng loại bỏ sự căng thẳng, làm dịu thần kinh dễ bị kích thích và thậm chí điều trị trầm cảm. Ngoài ra, vitamin B6 thậm chí còn được coi là có tác dụng giảm bớt nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Quả na cũng tốt cho hệ tiêu hóa nhờ lượng chất xơ cao. Chất xơ trong na giúp loại bỏ những độc tố thừa thải từ ruột, làm giảm nguy cơ mắc chứng táo bón, viêm dạ dày, ợ nóng, đau dạ dày… Để hỗ trợ tiêu hóa tốt, nên ăn na vào buổi sáng, tốt nhất là trước bữa ăn. Những người bị huyết áp, tim mạch được khuyên nên ăn na bởi trong thành phần quả na có nhiều chất dinh dưỡng góp phần điều chỉnh mức huyết áp và nhịp tim.
BS Quang Anh (Vĩnh Hồ, Hà Nội)