Theo Đông y, tang thầm (quả dâu chín) vị ngọt, tính lạnh, có công dụng tư âm dưỡng huyết, bổ can ích thận, sinh tân nhuận tràng, ô phát (làm đen râu tóc) và trừ phong thấp. Y học cổ truyền, thường dùng tang thầm để chữa các chứng bệnh do can thận bất túc như đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, râu tóc bạc sớm, mất ngủ hay mê, tiêu khát (đái đường), táo bón, các khớp vận động khó khăn…
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần quả dâu có chứa các loại đường, axit tannic...
Cháo tang thầm bổ can thận: Tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Tư âm, bổ can thận, dùng cho những người có thể trạng gầy yếu, hay hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm sút, tai ù điếc, lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô giòn, dễ bị chuột rút, tâm trạng phiền muộn, trong lòng hay bức bối không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, có thể có gãy xương, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.
Thuốc tang thầm làm mạnh gân cốt: Tang thầm tươi (quả dâu chín) 2.500g, thục địa, hoài sơn, hoàng tinh mỗi thứ 50g, thiên hoa phấn 100g. Tang thầm rửa sạch, ép lấy nước cốt; các vị thuốc khác đem sắc kỹ lấy 500ml dịch chiết rồi hòa với nước dâu, tiếp tục cô nhỏ lửa cho đến khi thành cao đặc. Đựng thuốc trong bình thủy tinh kín miệng để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh. Công dụng: Bổ can thận, dưỡng khí huyết, làm mạnh gân cốt. Dùng cho những người bị lưng đau gối mỏi, hay buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực chộn rộn không yên, môi khô miệng khát, thích ăn đồ mát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ.
Trà tang thầm trị tóc bạc + đau xương: Hà thủ ô chế 12g, nữ trinh tử 12g, tang thầm (quả dâu chín) 12g, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 10g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Dưỡng âm, tư bổ can thận, dùng cho người bị bạc tóc sớm có kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, hay đau đầu chóng mặt, thị lực giảm sút, lưng gối đau mỏi, hay quên, ngủ kém...
Cao tang thầm trị đau lưng kèm tay, chân: Đậu đen 500g, sơn thù 10g, bạch linh 10g, đương quy 10g, tang thần 10g, thục địa 10g, bổ cốt chi 10g, thỏ ty tử 10g, hạn liên thảo 10g, ngũ vị tử 10g, kỷ tử 10g, địa cốt bì 10g, vừng đen 10g, muối ăn 100g. Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm trong 30 phút; các vị thuốc khác đem sắc kỹ 4 lần, mỗi lần chừng 30 phút, hợp 4 nước lại với nhau; tiếp đó bỏ đậu đen và muối vào sắc kỹ cùng dịch thuốc bằng lửa nhỏ cho cạn, lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy thật khô, đựng vào lọ kín dùng dần; mỗi ngày ăn với lượng tuỳ thích, chừng 20 - 30g là được.
Công dụng: Bổ thận dưỡng can, cường gân tráng cốt, tốt cho người bệnh loãng xương thể “thận âm hư tổn”. Biểu hiện: Lưng đau gối mỏi, hay buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực chộn rộn không yên, môi khô miệng khát, thích ăn đồ mát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ…
Hoặc quả dâu chín 2,5 kg, thục địa 50g, hoài sơn 50g, hoàng tinh 50g, thiên hoa phấn 100g. Dâu chín rửa sạch, ép lấy nước cốt; các vị thuốc khác đem sắc kỹ lấy 500ml dịch chiết rồi hoà với nước dâu, tiếp tục cô nhỏ lửa cho đến khi thành cao đặc là được, đựng trong bình thuỷ tinh kín miệng để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh. Công dụng: Bổ can thận, dưỡng khí huyết, làm mạnh gân cốt, tốt cho người bệnh loãng xương, thường xuyên đau lưng, mỏi gối, đau nhức các đầu ngón tay và chân.
ThS Hoàng Khánh Toàn ( nguyên Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)