Quả dâu chín còn được gọi là tang thầm, tang thực, tang táo, tang quả, ô thầm, hắc thầm... thường được dùng để chữa bệnh nhất là khi phối hợp thêm với một số vị thuốc khác thì hiệu quả phòng chống bệnh tật được nâng cao. Theo tài liệu cổ quả dâu tằm vị ngọt, tính bình là một vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, bổ thận tráng dương, giúp làm sáng mắt, tăng cường hệ tiêu hóa, giúp đen râu tóc, điều trị mất ngủ...
Mất ngủ: Tang thầm 15g, thục địa 15g, bạch thược 15g và toan táo nhân 12g, hãm uống.
Cao huyết áp: Tang thầm 15g, cát căn 15g, hoàng cầm 8g, cúc hoa 8g, tiểu kế 8g, hãm uống.
Đau đầu, hoa mắt: Tang thầm 15g, kỷ tử 15g, đại táo 15g, hãm uống.
Thiếu máu: Tang thầm 15g, long nhãn 15g hay tang thầm 15g, thỏ ty tử 12g, nữ trinh tử 12g, kỷ tử 12g, thục địa 8g, tiên linh tỳ 8g, phá cố chỉ 8g, hãm uống.
Râu tóc bạc sớm: Tang thầm 15g, hà thủ ô 15g, nữ trinh tử 15g và cỏ nhọ nồi 10g, hãm uống.
Táo bón: Tang thầm 15g, nhục dung 15g, vừng đen 15g và chỉ xác sao 8g, hãm uống.
Bế kinh: Tang thầm 15g, hồng hoa 3g, kê huyết đằng 12g, hãm uống.
Ho khan ít đờm và lao phổi...: Tang thầm 30g, địa cốt bì 15g và đường phèn 15g, hãm uống.
Tang thầm tính lạnh và có tác dụng nhuận tràng nên những người hay bị rối loạn tiêu hoá, đi lỏng do tỳ vị hư yếu và những người bị cảm mạo, ho nhiều do phong hàn không nên dùng. Khi pha loại trà này tuyệt đối không dùng ấm chén bằng kim loại.
BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam)