Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân của 80% số bệnh nhân bị đau thắt lưng. Những người trẻ dưới 25 tuổi do đĩa đệm chưa bị thoái hóa nên chỉ bị thoát vị đĩa đệm khi có các chấn thương nặng và thường chỉ thoát vị một đĩa đệm. Những người trung tuổi và cao tuổi không cần phải có chấn thương nặng, chỉ cần các vi chấn thương như ngồi lâu, vận động sai tư thế cũng gây thoát vị do đĩa đệm đã bị thoái hóa trở nên yếu. Những người này thường bị thoát vị nhiều đĩa đệm gọi là thoát vị đa tầng.
Các phương pháp điều trị:
+ Điều trị bảo tồn (dùng thuốc và không dùng thuốc).
+ Điều trị can thiệp (hóa tiêu nhân, đốt đĩa đệm bằng dòng điện có tần số radio, bốc bay đĩa đệm bằng tia LASER).
+ Phẫu thuật (mổ mở, mổ nội soi, vi phẫu).
Khối thoát vị nằm ở phía dưới khi bệnh nhân nằm ngửa (mũi tên trên phim chụp MRI cột sống thắt lưng TVĐĐ L1-L2 của một bệnh nhân nam 29 tuổi bị đau thắt lưng cấp sau khi lái xe từ Hải Phòng về Hà Nội).
|
Điều trị bảo tồn chiếm 80 - 85%, điều trị ngoại khoa chỉ chiếm 10 - 15% và chỉ được áp dụng khi các biện pháp điều trị bảo tồn không đạt được mục tiêu. Trong các biện pháp điều trị bảo tồn thì kéo giãn cột sống là kỹ thuật duy nhất có thể làm thu nhỏ được khối thoát vị. Kéo giãn cột sống thắt lưng đã được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam từ tuyến trung ương tới tuyến tỉnh và một số huyện, nhưng chỉ kéo giãn ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa, chưa có nơi nào áp dụng kỹ thuật kéo giãn cột sống thắt lưng ở tư thế bệnh nhân nằm sấp.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, Bệnh viện Quân y 103 là người đầu tiên nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở trong nước. Kết quả nghiên cứu trên hai nhóm bệnh nhân có tuối và mức độ thoát vị tương đương, một nhóm được kéo ở tư thế sấp, một nhóm được kéo ở tư thế ngửa. Các bệnh nhân ở cả hai nhóm được dùng thuốc và các phương pháp vật lý trị liệu phối hợp như nhau. Đánh giá lâm sàng và chụp MRI cột sống thắt lưng trước và sau điều trị 3 tuần. Kết quả cho thấy nhóm được kéo giãn ở tư thế nằm sấp triệu chứng lâm sàng giảm nhanh hơn và đường kính trung bình khối thoát vị thu nhỏ tốt hơn hẳn so với nhóm đối chứng (1,94mm so với 2,47mm, p < 0,01). Đây là kết quả vượt trội trong điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Khi thoát vị ra sau, khối thoát vị chèn vào ống sống, ở tư thế nằm ngửa khối thoát vị sẽ nằm về phía dưới đĩa đệm, do đó, áp lực âm tính của đĩa đệm khi kéo giãn hút khối thoát vị ngược lên sẽ kém hiệu quả so với nằm sấp. Khi bệnh nhân nằm sấp, khối thoát vị nằm phía trên đĩa đệm nên áp lực âm tính của đĩa đệm khi kéo giãn sẽ hút khối thoát vị xuống dưới dễ dàng hơn, làm hiệu quả thu nhỏ khối thoát vị tốt hơn. Kết quả nghiên cứu mở ra hướng điều trị mới giúp bệnh nhân giảm đau đớn, mau hồi phục, thu nhỏ được khối thoát vị tốt hơn.
Hồng Loan