Phục hồi di chứng sau nhiễm Covid-19 là yêu cầu cấp thiết

Phục hồi di chứng sau nhiễm Covid-19 hết sức quan trọng, nhất là trong năm đầu tiên sau khi nhiễm.

Covid-19 để lại cho cơ thể sự mệt mỏi, cảm giác cơ không có lực, người yếu hơn xưa; thở dốc, cảm giác hụt hơi, sức thở giảm, ảnh hưởng tới hô hấp; mất ngủ, lo âu, trầm cảm nhẹ; rụng tóc, còn rối loạn vị giác, khứu giác… ảnh hưởng thể chất và tinh thần.

Covid-19 để lại nhiều di chứng, khiến cơ thể sự mệt mỏi, cảm giác cơ không có lực, người yếu hơn xưa...
Covid-19 để lại nhiều di chứng, khiến cơ thể sự mệt mỏi, cảm giác cơ không có lực, người yếu hơn xưa...

Mặc dầu đã hồi phục, nhưng bệnh nhân sau Covid-19 vẫn còn cần được sự quan tâm hỗ trợ của ngành y tế trước mắt cũng như lâu dài.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể hoặc thậm chí là hướng dẫn phục hồi chức năng, di chứng Covid-19. 

Xin giới thiệu phương pháp y học cổ truyền trong việc hỗ trợ, góp phần cải thiện và phục hồi các rối loạn do di chứng do nhiễm Covid-19 gây nên.

Về thuốc

Việc điều trị thuốc y học cổ truyền đối với người sau bệnh Covid-19 trên thực tế không đơn giản, phải tùy giai đoạn bệnh, tùy triệu chứng, qua thăm khám thầy thuốc sẽ có hướng dẫn cụ thể trên từng người bệnh mới an toàn và có hiệu quả. Nâng cao sức khỏe, bồi bổ khí huyết. tùy theo thể trạng, bệnh, chứng mà có sự gia giảm về thuốc và liều lượng phù hợp.

Mặc dầu đã hồi phục nhưng bệnh nhân sau Covid-19 vẫn còn là thách thức lớn cần được sự quan tâm hỗ trợ để phục hồi di chứng.
Mặc dầu đã hồi phục nhưng bệnh nhân sau Covid-19 vẫn còn là thách thức lớn cần được sự quan tâm hỗ trợ để phục hồi di chứng.

Nếu có các triệu chứng của phế tỳ khí hư: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn, bụng đầy, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dơ. Phép trị: Kiện tỳ ích khí. Dùng bài thuốc Bảo nguyên thang

Nếu có biểu hiện của Khí âm lưỡng hư: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, miệng khô khát, bồn chồn, ra mồ hôi, ho khan có ít đờm, lưỡi khô ít tân dịch, mạch tế hoặc vô lực...

Phép trị: Bổ khí dưỡng phế. Dùng một trong các bài thuốc sau: Thập toàn đại bổ, có thể giảm nhục quế, gia tri mẫu; sinh mạch tán; nhân sâm dưỡng vinh thang

Trường hợp bệnh lâu có âm hư kèm tâm quý, huyết áp thấp, dùng một trong các bài thuốc sau: Lục vị địa hoàng hoàn hợp Sinh mạch ẩm. Hoặc Dưỡng âm thanh phế thang, có thể gia thêm đảng sâm.

Không dùng thuốc

Luyện thư giãn

Để ổn định tâm trí, xoa dịu căng thẳng, bảo vệ hoạt động của thần kinh trung ương, hãy luyện thư giãn.

Thư nghĩa là thư thái, trong người lúc nào cũng thư thái. Giãn nghĩa là nới ra, giãn ra. Nếu phần gốc trung tâm là vỏ não thư thái, phần ngọn là các cơ vân và cơ trơn sẽ giãn ra. Gốc thư thái tốt thì ngọn sẽ giãn tốt, mà ngọn giãn tốt thì sẽ giúp cho gốc thư thái.

Nằm che mắt, nơi yên tĩnh thực hiện theo 3 bước: 1: Ức chế ngũ quan. 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Tự ám thị để giúp thêm cho sự thư giãn: “tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân nặng và ấm”. 3: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi 10 lần; thở thật êm, nhẹ, đều, nông.

Hãy tập trung ý nghĩ vào mục tiêu theo dõi hơi thở, thở cho đều, hít vào thở ra, nghỉ, hít vào, thở ra, nghỉ... hoặc tập trung vào đếm số cũng được, giúp việc tập trung ý nghĩ càng ngày càng mạnh lên. Có thể đi vào giấc ngủ.

Luyện thiền

Thiền là sự huấn luyện cho tâm trí, không cho đầu óc suy nghĩ lan man mà có chủ đích, để lòng trống không, tâm phẳng lặng không lo sợ, mong cầu điều gì, không để cho những vấn đề lo buồn ảnh hưởng, tác động tới tâm trí. Hay nói cách khác thiền là một tập hợp các hình thức trạng thái tâm thần để trải nghiệm quá trình nhận thức hoặc ý thức cao hơn thực tại.

Thái độ đối với cuộc sống

“Người vui thì cảnh cũng vui!”. Có nhưng sự việc, hoàn cảnh không thay đổi được nhưng có cái thay đổi được đó là ta có cái nhìn về cuộc sống tích cực, lạc quan. Cuộc sống sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt, giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh. Nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngủ

Cần ngủ đủ giấc, đều đặn. Nên ngủ trước 11g đêm, không nên thức khuya chơi game hay đọc báo, chơi điện thoại.

Ăn uống

Các món ăn cần phải thơm ngon, hấp dẫn, nhất là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin và khoáng chất.

Ăn đa dạng các món ăn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là bột đường (từ ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể có năng lượng để hoạt động và mau hồi phục.

Về nước uống, cần uống đủ nước (2 - 3 lít/ngày tùy theo cân nặng), chia làm nhiều lần trong ngày để cung cấp độ ẩm cho hệ hô hấp. Có thể uống nước lọc hoặc thêm món nước yêu thích như nước cam, sữa tươi, một ly cà phê, một tách trà yêu thích.

Ăn uống đủ nhưng không nên quá nhiều. Ăn uống phù hợp không những cải thiện sức khỏe mà còn làm tâm trạng vui vẻ hơn.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3)

Theo Đời sống
back to top