Thịt lợn hầm sâm phục hồi sức khỏe sau Covid-19

Thịt lợn và sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí… nên rất thích hợp dùng để bổ dưỡng, phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật, sau ốm nặng, đặc biệt là các bệnh nhân Covid-19 nặng đã khỏi bệnh.

Sau khi trải qua cuộc ốm dài ngày do Covid-19 hoặc sau cuộc mổ nhất là cuộc mổ lớn người bệnh thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể bởi nhiều lý do như mất máu và tiêu hao năng lượng quá nhiều; công năng các tạng phủ, đặc biệt là hệ thống tỳ vị hay bị rối loạn làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, tình trạng nhiễm khuẩn, trạng thái căng thẳng thần kinh do đau đớn và mất ngủ cũng góp phần quan trọng tạo nên sự suy nhược.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, nguyên tắc chung là phải ăn nhẹ, chia ăn nhiều lần trong ngày, thức ăn phải dễ tiêu và ấm. Đặc biệt, cần phải biết phối hợp hài hòa giữa thực phẩm và dược phẩm để vừa cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh hồi phục mà còn có tác dụng hỗ trợ tích cực cho trị liệu.

Nhân sâm có tác dụng dược lý hết sức phong phú như làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương, chống mệt mỏi, trầm cảm; tăng tạo máu; bảo hộ tế bào gan và thận; cải thiện sức co bóp cơ tim và tăng cường lưu thông huyết mạch; làm giảm mỡ máu và đường huyết… Các tác dụng này trực tiếp hoặc gián tiếp đều có lợi cho sức khỏe của người bệnh nói chung và người bị Covid-19 nói riêng, đặc biệt là khả năng tăng cường lưu thông huyết mạch, làm giảm mỡ máu, giảm đường máu, ức chế ngưng tập tiểu cầu và phòng chống tích cực tình trạng vữa xơ động mạch rất hữu ích cho việc điều hòa huyết áp và dự phòng tích cực chứng huyết khối ở bệnh nhân Covid-19.

Thịt lợn bổ tỳ ích vị, dưỡng can, tư âm bổ huyết phối hợp với nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí, dùng chữa phế hư sinh ho suyễn, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, bệnh lâu ngày khí hư, sợ hãi, tiêu khát. Vì vậy, khi nấu nhân sâm cùng thịt lợn bổ khí huyết, tránh suy nhược thần kinh, giúp người bệnh nhanh chóng bình phục.

Cháo thịt lợn + nhân sâm: Bột nhân sâm 3g, gạo tẻ 50g, thịt lợn nạc 25g, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái chỉ, đem ninh với gạo thành cháo, khi chín cho bột nhân sâm và gia vị vừa đủ, ăn nóng. Công dụng: Đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân dịch và an thần, làm tăng sức đề kháng của cơ thể và giúp tủy xương tăng sinh hồng cầu, tốt cho những người bị suy nhược và thiếu máu.      

Tim lợn hầm nhân sâm: Tim lợn một quả nhỏ, nhân sâm 5g, đương quy 10g. Tim lợn làm sạch, bổ đôi, các vị thuốc thái vụn cho vào bên trong quả tim, chế đủ gia vị rồi đem hấp cách thủy chừng 3 giờ, ăn nóng. Công dụng: Kiện tỳ dưỡng tâm, bổ huyết an thần, dùng rất tốt cho những bệnh nhân mất ngủ, suy nhược tinh thần nặng sau phẫu thuật, sau ốm nặng...

BS Hoàng Khánh (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top